Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Những luận điệu lật lọng tinh quái của Trần Văn

 

Những luận điệu lật lọng tinh quái của Trần Văn


Lợi dụng việc xét xử 54 bị cáo trong vụ án tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đưa ra nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Mới đây, Trần Văn đã đăng tải bài viết “Từ ‘chuyến bay giải cứu’, nhìn lại ‘chống phá’ và ‘thủ đoạn’” trên trang Voatiengviet.com, với những luận điệu lật lọng tinh quái nhằm phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Với óc thâm thù và những lập luận xảo trá về những tình tiết trong quá trình điều tra, xét xử vụ án tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, Trần Văn đã quy kết rằng: “Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được triển khai vài thập niên nhưng kết quả chỉ là những đại án mà sự táo tợn, mức độ càn rỡ càng ngày càng trầm trọng”; thể chế ở Việt Nam “đã, đang góp phần tạo ra bị cáo của hàng loạt đại án tham nhũng”. Đây là những luận điệu rất phiến diện và hoàn toàn là sai trái của Trần Văn – kẻ “không thân thiện”, bởi cả lý luận và thực tế kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc này.

Trần Văn cần nhận thức rõ rằng, tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Không khó để nhận diện, tham nhũng chính là sự mưu lợi một cách không chính đáng bằng những hành vi vi phạm các chuẩn mực của người được giao phó nhiệm vụ công hoặc tư. Tham nhũng là một hiện tượng lịch sử xã hội, tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Khi nào nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì khi đó còn điều kiện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng. Vì vậy, những “bị cáo của hàng loạt đại án tham nhũng” mà Trần Văn rêu rao tất yếu không phải là sản phẩm riêng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mà nó là sản phẩm của quyền lực, của tất cả các thể chế chính trị kể từ khi có nhà nước, gắn liền với nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị – kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan cho tham nhũng phát triển. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, nên còn tồn tại nạn tham nhũng là điều khó tránh khỏi.

Nhận thức rõ nguy cơ và tác hại đặc biệt nghiêm trọng của tham nhũng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, kiên trì, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng qua các nhiệm kỳ; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vị thế, uy tín, vai trò tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, nhất là các kỳ Đại hội lần thứ XI, XII, XIII, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã được tiến hành kiên quyết, quyết liệt, đúng pháp luật; được dư luận xã hội, nhân dân trong nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và được quốc tế ghi nhận.

Đối với vụ án “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch Covid-19, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp phép và tổ chức được trên một nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, với mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân. Chủ trương này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước. Song, từ những chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn đó lại xuất hiện một số cán bộ, đảng viên – những người mang trong mình trọng trách là “công bộc” của dân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, móc ngoặc với nhau để đưa và nhận hối lộ, tư lợi cá nhân với số tiền lớn, phạm vi rộng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Nhà nước, làm mất đi tính chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân. Do đó, việc đưa ra xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” một lần nữa chứng minh cho chủ trương chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất luận là ai, kể cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng hay can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Đó cũng là minh chứng khẳng định trước toàn thể nhân dân và cộng đồng quốc tế về tính minh bạch và thượng tôn pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, luôn đứng trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Với quyết tâm chính trị và hành động kiên trì, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thì dù Trần Văn và các thế lực thù địch có những luận điệu lật lọng tinh quái thế nào đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận được nững thành quả tích cực của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào: