Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Sự thật lịch sử không thể đảo ngược

 

Sự thật lịch sử không thể đảo ngược


Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đất nước ta tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức xuyên tạc lịch sử, phủ nhận ý nghĩa của các sự kiện đó. Trong bài “Đôi dòng về cuộc cách mạng tháng 8 và ngày 2/9”, với sự hiểu biết nông cạn về lịch sử và với cái nhìn lệch lạc, Hoàng Bùi đã cố tình xuyên tạc rằng: “việc xóa bỏ chế độ phong kiến quân chủ không có công của Việt Minh”, “việc lật đổ sự đô hộ của Pháp cũng không có công của Việt Minh”… Đây là những luận điệu sai trái, hòng phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận thành tựu mà đất nước ta đạt được trong gần 80 năm qua, đặc biệt là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng:

Thứ nhất, phát xít Nhật hất cẳng Pháp không phải là trả độc lập cho Việt Nam, mà muốn thay Pháp cai trị Việt Nam.

Dựa vào sự kiện ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại đã ký hòa dụ tuyên bố hủy bỏ hòa ước Giáp Thân với Pháp để người Pháp thiết lập nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Hoàng Bùi và một số kẻ thiếu hiểu biết về lịch sử và ảo tưởng rằng Nhật đã giúp Việt Nam giành lại độc lập, mà không hề biết, vì đâu lại có đạo dụ này. Sau khi đảo chính Pháp và nắm quyền trên toàn Đông Dương, phát xít Nhật đã hứa với vua Bảo Đại là sẽ trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Nhưng thực chất, đây chỉ là chiêu bài mua chuộc của phát xít Nhật đối với Bảo Đại khi ấy. Đó là lý do mà Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời; cái gọi là “Chính phủ” Trần Trọng Kim hay vua Bảo Đại thực chất là quân bài, bù nhìn phục vụ cho phát xít Nhật chứ thực tế không hề có vai trò, vị thế, quyền lực gì. Đạo dụ ngày 11/3/1945 của Bảo Đại thực chất là một văn bản dưới sức ép của phát xít Nhật nhằm chối bỏ sự đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam; đồng thời, thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải mục đích là trả lại độc lập cho Việt Nam như ảo tưởng của Hoàng Bùi.

Toàn quyền Nhật Bản Minoda trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên ngày 30/3/1945 đã không giấu giếm mà nói rằng “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có độc lập ở Nam Kỳ”. Mang danh nghĩa là vua, nhưng không có thực quyền, nên dù phải thoái vị để trao quyền lại cho quốc dân vào ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại phải thốt lên rằng “Trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm đã trãi qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập”. Sau này, trong hồi ký, ông Trần Trọng Kim cũng cay đắng chỉ ra bản chất và thâm ý của phát xít Nhật “Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, toàn thể dân tộc Việt Nam được tập hợp trong mặt trận Việt Minh thống nhất đã làm nên một cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến và kết thúc hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.

Thứ hai, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, quyền làm chủ của nhân dân luôn được quan tâm và phát huy

Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám là đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, vì lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; đó là, đánh đổ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, từ một nước thuộc địa, lệ thuộc thành một nước độc lập tự do, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.

Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện ngay trong lần tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ngày 6/1/1946, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam. Tin vào dân, dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng. Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “lấy dân làm gốc”, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đây là cơ sở cho việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn bộ hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị đều phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trên thực tế, quyền làm chủ của nhân dân đã được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Quyền bầu cử và ứng cử, quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tự do tôn giáo… Ngay từ lần tổng tuyển cử đầu tiên, người dân đã được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tự do lựa chọn đại biểu ưu tú, đủ phẩm chất, năng lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bầu vào cơ quan Nhà nước. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%, cao nhất từ trước đến nay. Thực tế đó cho thấy, quyền làm chủ nói chung, quyền bầu cử của người dân nói riêng được thực hiện, chứ không phải “nhân dân Việt Nam vẫn chẳng có một chút quyền gì, nhân dân Việt Nam không được bầu cử một cách thực sự” như những gì Hoàng Bùi xuyên tạc.

Để tiếp tục phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, phủ nhận ý nghĩa, giá trị của Cách mạng Tháng Tám./.

Không có nhận xét nào: