Người dân Việt Nam đã thụ hưởng quyền con người từ rất sớm
Bài viết: “EU: Không gian nhân quyền Việt Nam bị thu hẹp” với những thông tin bịa đặt, phiến diện, thù địch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của Quang Minh trên trang “Thoibao. de”. Nhưng sự thật là:
Người Việt Nam đã thụ hưởng quyền con người trước khi thế giới có Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
Ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam đã được hưởng thụ quyền con người. Nhưng mãi đến năm 1948, thế giới mới đạt được sự đồng thuần để có bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Với những nỗ lực vì quyền con người, cho đến nay, Việt Nam là thành viên 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người gồm: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR); Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969; Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về Quyền của Người khuyết tật năm 2006; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Theo đó, hai công ước còn lại mà Việt Nam chưa phê chuẩn là Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ; Công ước về Chống cưỡng bức mất tích.
Hiến pháp 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, những quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận và dần hoàn thiện bằng các các lần sửa chữa, bổ sung vào các năm 1959, 1980, 1992, 2013, cùng hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người cũng được điều chỉnh và bổ sung liên tục để hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Đơn cử như Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính… liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các công ước quốc tế, nhất là Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận
Kể từ sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chủ động tăng cường sự tham gia vào nhiều hơn vào cơ chế về quyền con người của LHQ. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021); là thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 1998-2000 và nhiệm kỳ 2016-2018); là thành viên của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016 và mới đây là nhiệm kỳ 2023-2025). Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Với số phiếu cao, vừa qua, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là minh chứng rõ rệt cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Việt Nam quan tâm bảo đảm quyền con người một cách toàn diện
Trong thông điệp trực tuyến gửi tới Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ (tháng 3/2022), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển chính là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam, không chỉ trong 45 năm làm thành viên LHQ đến nay, mà từ ngày nước Việt Nam hiện đại ra đời năm 1945. Cách tiếp cận tổng thể, cân bằng đó đã giúp Việt Nam xử lý nhiều thách thức, đạt được nhiều thành tựu phát triển về mọi mặt kinh tế – xã hội, mà mới đây nhất là trong ứng phó với đại dịch Covid-19”. Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh. Những giá trị mà Việt Nam luôn phấn đấu mang lại cho người dân nước mình cũng chính là những giá trị LHQ cam kết mang lại cho nhân loại. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét