Cảnh giác với câu hỏi “ngô nghê” của Phạm Trần
Mới đây, trên trang mạng xã hội “Vietbao”, Phạm Trần đã đăng bài viết “Báo chí hay báo cáo viên nhà nước?”. Mục đích của Y nhằm công kích, xuyên tạc, vu khống vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của nhà báo, kích động, lôi kéo, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.
1. Phạm Trần đã quy chụp “Thông tin báo chí ở Việt Nam là loại thông tin một chiều và người làm báo là cán bộ nhà nước, là đảng viên phải nói và viết theo chỉ thị. Như vậy, rõ ràng không có tự do báo chí ở Việt Nam”
Đây là luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do báo trí ở Việt Nam của Phạm Trần. Bởi tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của các cá nhân không những được khẳng định ở Việt Nam mà còn ở mọi quốc gia trên thế giới.
Trên thực tế, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tuy ở mỗi thể chế xã hội có khác nhau, nhưng đều khẳng định quyền này không phải là vô hạn. Dù trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ nhất định. Xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm, trách nhiệm của người làm báo chân chính không đồng nghĩa với việc tùy tiện viết bài với mưu đồ xấu, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Tự do sáng tạo trong báo chí phải đi liền với việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích của đại đa số nhân dân. Cho nên, tự do báo chí không có nghĩa là tự do thông tin, tự do phản ánh mà phải luôn đặt trong các mối quan hệ, như luật pháp, lợi ích của các chủ thể, đạo đức nghề nghiệp…
Hiện nay, luật pháp nước ta không cho phép ra báo chí tư nhân, điều này không đồng nghĩa với việc không có tự do báo chí. Việt Nam có báo của Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nên cá nhân không nhất thiết ra báo. Trên thực tế, không chỉ các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, có quyền bày tỏ chính kiến của mình trên mặt báo.
Như vậy, tự do báo chí cũng như nhiều quyền tự do khác, phải trong khuôn khổ, chuẩn mực và tùy thuộc vào những không gian, thời gian cụ thể. Việc đánh giá quốc gia nào có tự do báo chí hay không phải xét đến các điều kiện về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán… và gắn với các tiêu chí phổ quát của nhân loại, không thể tùy tiện đem hệ quy chiếu của chủ thể này áp cho chủ thể khác. Đồng thời, không thể ảo tưởng về cái gọi là tự do báo chí không có giới hạn hoặc vô tổ chức, vô kỷ luật, bởi khi đó sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.
2. Phạm Trần nhận định hàm hồ rằng, người làm báo của nhà nước cũng chỉ là những “báo cáo viên” hay “tuyên truyền viên” của đảng.
Trước hết chúng ta khẳng định, Phạm Trần là kẻ không hiểu biết về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của người làm báo. Bởi lẽ, nhà báo là người chịu trách nhiệm tìm kiếm và cung cấp các thông tin chính xác, nhanh chóng nhất đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ cho dư luận. Các thông tin đó sẽ được nhà báo truyền tải thông qua nhiều hình thức khác nhau như truyền hình, báo giấy, mạng xã hội. Hoạt động của nhà báo được đánh giá là khá nhạy cảm do đảm nhiệm việc phản ánh hiện trạng thực tế đời sống con người cũng như các vấn đề có liên quan tới văn hóa – chính trị- xã hội.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Báo chí 2016, quy định: Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí…. Bên cạnh đó, nhà báo có nghĩa vụ phải thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và vi phạm pháp luật; phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Như vậy, nhận định người làm báo của nhà nước cũng chỉ là những“ báo cáo viên” hay “tuyên truyền viên” của Phạm Trần là lời bịa đặt, vô căn cứ. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét