Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

QUYỀN LỰC TỐI THƯỢNG Ở VIỆT NAM LÀ PHỤC VỤ NHÂN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC

 

QUYỀN LỰC TỐI THƯỢNG Ở VIỆT NAM LÀ PHỤC VỤ NHÂN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC


Thời gian gần đây, một số “nhà dân chủ” trong nước và ngoài nước cho rằng, bộ máy chính trị ở Việt Nam đã lộng quyền, tha hóa quyền lực. Thực tế đó chỉ là sự đánh tráo khái niệm, đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Trên trang “Doithoaionline có đăng tải bài viết: “Tha hóa quyền lực” của Hiền Lương khi cho rằng ở Việt Nam, quyền lực là độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức “tha hóa” ngay trong nội bộ Đảng mà không vấp phải sự phản ứng hay giám sát nào từ các đảng phái chính trị khác của thể chế; độc tôn chính trị tất sẽ… “tham nhũng chính sách”; tam quyền phân lập: cần nhưng chưa đủ… Đây thực chất là những thủ đoạn, luận điệu bịa đặt, xuyên tạc hết sức nguy hiểm hòng chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, dù có sử dụng “trăm phương nghìn kế”, các thế lực thù địch và Hiền Lương cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên:

1. Bản chất quyền lực tối thượng ở Việt Nam là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Với chế độ của chúng ta, từ khi đặt nền móng độc lập (1945) đến nay, Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam luôn hướng tới những điều tốt đẹp, quyền lực tối thượng luôn để phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Điều này là bất di bất dịch. Gần 80 năm qua, chúng ta đã hết sức kiên định, đem tất cả của cải và vật chất, trí tuệ và niềm tin, nhất quán với con đường đã chọn, nhưng cũng biết cách linh hoạt để bảo vệ quyền lợi cao nhất của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Để giữ gìn sự liêm chính của chính thể, sự trong sạch của bộ máy công quyền, những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết “nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, đã nhận định: “Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng… Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”. Xã hội Việt Nam ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh hơn, trước hết do chúng ta đã biết tự cân bằng các khu vực quyền lực, ứng xử đúng mực với mọi giai tầng xã hội. Điều này không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ thượng cổ. Đó chính là nền tảng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, sâu sắc, toàn diện và luôn được các thế hệ người Việt Nam vun trồng, bồi đắp và được Đảng ta phát huy.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là chính danh, hợp hiến và hợp pháp.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều có một điều quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”. Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”. Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ và đồng thuận của các tổ chức có liên quan, không phải do Cương lĩnh, Điều lệ Đảng “đơn phương” quy định.

Xã hội Việt Nam đang trưởng thành về mọi mặt. Trong bước đường trưởng thành sẽ phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, mà thách thức và trở ngại lớn nhất chính là quá trình thực thi quyền lực trong cơ chế chính trị một Đảng cầm quyền duy nhất ở nước ta. Điều này đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức sâu sắc, rõ ràng và đang nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm cho đất nước ta phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Gần 50 năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, các cơ chế, giải pháp cũng được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Điều này cho thấy, Đảng ta không ngừng hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tha hóa quyền lực, nhằm bảo đảm mục tiêu ở đâu có quyền lực thì ở đó phải được kiểm soát chặt chẽ. Đảng ta luôn ý thức về sự lãnh đạo của mình chủ yếu phải bằng giá trị (văn hóa) chứ không phải bằng quyền lực, và Đảng phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát mình, kể cả nhân cách và việc sử dụng quyền lực, để Đảng được rèn luyện liên tục, thường xuyên; từ đó mà không bị thoái hóa và ngày càng trưởng thành hơn. Thực hiện điều ấy bằng cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế thực thi dân chủ. Để có thể thành công, bản thân Đảng phải gương mẫu, từng cấp ủy và từng cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, vượt qua chính mình. Gần 80 năm qua, kể từ ngày lập quốc theo chế độ mới đến nay, việc thực thi quyền lực nhà nước của chúng ta ngày càng đúng đắn, tốt đẹp hơn, vì sự tối thượng là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Do đó, nếu “nhà dân chủ” nào không hiểu bản chất vấn đề, cố ý đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất, đánh tráo khái niệm giữa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ với mục tiêu, bản chất thực thi quyền lực tối cao thuộc về nhân dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là điều đáng phải phê phán./.

Không có nhận xét nào: