Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Thành quả xây dựng pháp luật ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận

 

Thành quả xây dựng pháp luật ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận


Tại Việt Nam, các thế lực thù địch áp dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hoạt động lập pháp cũng là một trong những mục tiêu mà các đối tượng này hướng tới nhằm phá hoại, phủ nhận thành quả xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Mới đây nhất, trang “Luatkhoa” đã đăng tải bài viết “Phản biện ngày Pháp luật Việt Nam”, của Nguyễn Đình Cống – y rêu rao rằng: “Quốc hội làm sai quy trình xây dựng luật”, chỉ là “luật rừng”… Đây là những luận điệu phiến diện, không phản ánh đúng quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam, cần nhận diện, đấu tranh bác bỏ kịp thời.

Cần phải nhận thức rõ rằng, lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc hội Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Quốc hội là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật; thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Quy trình xây dựng luật được thực hiện chặt chẽ ở các khâu các bước, từ đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, bên cạnh việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, còn dành nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Theo quy trình này, Quốc hội đã nắm trọn quyền lập pháp, vì thế luận điệu của Nguyễn Đình Cống cho rằng  “Quốc hội chỉ là cơ quan thông qua luật” là không có cơ sở, cần đấu tranh bác bỏ. Hơn nữa, quy trình xây dựng luật của Việt Nam cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước.

Thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên các lĩnh vực. Trước đây, hệ thống pháp luật chủ yếu được chú trọng xây dựng trong lĩnh vực kinh tế, nhưng đến nay, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người; chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nói riêng được xây dựng đầy đủ và không ngừng hoàn thiện.

Cùng với đó, chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới. Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả Trung ương và địa phương. Quy trình xây dựng chính sách tách bạch với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, bảo đảm sự phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật với đường lối, chủ trương của Đảng, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật; vai trò tham gia của xã hội vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể; pháp luật về hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tra cứu, tiếp cận, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Đặc biệt, nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân dân về pháp luật và công tác xây dựng pháp luật đã được nâng lên. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đều chú trọng, quan tâm hơn đến công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Chính phủ xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, giành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật. Ý thức pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên rõ rệt, hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, tổ chức xã hội, nhân dân đáp ứng yêu cầu nội dung, hiệu quả, thực chất.

Từ những vấn đề trên cho thấy, những thành tựu trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nêu cao cảnh giác, tích cực đấu tranh, bác bỏ luận điệu sai trái xuyên tạc về “quy trình xây dựng luật ở Việt Nam” của Đình Cống và đồng bọn của y./.

Không có nhận xét nào: