Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Vạch mặt cái gọi là “thoáng suy tư” của Lê Nguyễn

 

Vạch mặt cái gọi là “thoáng suy tư” của Lê Nguyễn

- Vừa qua, trên trang “Baoquocdan”, Lê Nguyễn đã đăng tải bài viết: “Thoáng suy tư về chuyện quốc phòng”; trong bài viết Y không chỉ tìm mọi cách phủ nhận đường lối quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta mà còn xuyên tạc khi cho rằng “tư duy xây dựng bộ máy quân sự để bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng sức mạnh quốc phòng là việc không phù hợp”! Theo Y, để tăng cường sức mạnh quốc phòng thì cần phải “quên hẳn tư duy trang bị vũ khí, chạy đua vũ trang”. Đây là, quan điểm sai trái, không thể chấp nhận được, bởi, mục đích xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Việt Nam là tự vệ chính đáng và những chủ trương, phương châm quốc phòng của Việt Nam đã thể hiện rõ bản chất là yêu hòa bình, vì hòa bình, chiến đấu để bảo vệ hòa bình.

Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng rất nhiều các biện pháp. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tích cực chuẩn bị mọi mặt từ trước, ngay trong thời bình để ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi, triệt tiêu các nhân tố có thể phát triển thành các nguy cơ, thách thức đe dọa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự ổn định chế độ, lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Muốn đạt được mục tiêu này, cùng với các nhân tố khác thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có sức mạnh quốc phòng.

Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng: sức mạnh quân sự của một quốc gia bao giờ cũng đặt trong mối quan hệ với sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó, không thể tách rời. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam đã khẳng định, chính việc phát huy sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường mới là yếu tố quyết định tạo ra nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và tay sai trong thế kỷ XX đã khẳng định: nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn chính là nhờ thực hiện đường lối quân sự độc lập, tự chủ, gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Ngày nay, Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy và luôn sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra chính là để bảo vệ nền độc lập, tự do - thành quả của cuộc cách mạng mà nhân dân ta hy sinh biết bao xương máu mới có được. Vì vậy, công cuộc giữ nước phải bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Theo đó, nhiệm vụ quốc phòng là: củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước. Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đây là quan điểm, đường lối thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó cũng chính là hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình mà không phải tiến hành chiến tranh, đó là thượng sách bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, thủ đoạn bày đặt “thoáng suy tư” về “chuyện quốc phòng” để xuyên tạc của Lê Nguyễn cần phải bị vạch mặt và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: