“Tự do báo chí” không phải là tự do vô tổ chức
Mới đây trên trang “Voatiengviet”, Lê Quốc Quân lại tiếp tục rêu rao bài viết: “Uy tín Đảng cao hơn tương lai đất nước”. Y cho rằng “cần phải có tự do báo chí” và đồng thời ra sức xuyên tạc vấn đề này, nhằm thao túng dư luận, gây rối loạn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Y cố tình quên rằng việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế. Cần khẳng định ngay rằng, những thông tin mà Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023 của RSF đưa ra mà Lê Quốc Quân dẫn chứng là không khách quan, không đúng thực tế với tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Báo chí có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Quyền tự do báo chí là quyền của công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận, cung cấp và phản hồi thông tin trên báo chí… Ở Việt Nam những năm qua, tự do báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn. Thực tiễn về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hẳn với những gì mà RSF và Lê Quốc Quân đưa ra. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”[1]. Tại Chương II, Luật Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; đồng thời, cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Điều 14, Luật Báo chí (năm 2016) đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Quy định này cũng cho phép các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy, “Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người, với 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo”[2]. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo; Hãng thông tấn Asia, Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga), v.v. Với lực lượng làm báo hùng hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, báo chí đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Nhiều giải báo chí toàn quốc, như: Giải Báo chí quốc gia; Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng); Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại; Giải Báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,… được tổ chức hằng năm là dịp để các nhà báo nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp trong làm báo, đồng thời phản ánh hoạt động báo chí ở Việt Nam rất phong phú, sôi động.
Lê Quốc Quân cần hiểu rằng không có quốc gia nào để bảo vệ chế độ, chủ quyền quốc gia mà cho phép những kẻ lợi dụng vấn đề tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền xuyên tạc, chống phá tùy tiện. “Nếu 35 nhà báo bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý” trong năm 2022 thì đó chính là những kẻ đang cố tình bóp méo sự thật, vi phạm Luật Báo chí của Việt Nam. Những kẻ bị bắt không phải vì họ làm nghề viết báo, cũng không phải Việt Nam không cho phép họ làm báo, mà vì họ vi phạm pháp luật, tung tin giả, tin xấu độc xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc xử lý theo pháp luật những kẻ vi phạm đó cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền tiếp cận những thông tin chính xác, khách quan của công dân. Do đó, những rêu rao “Việt Nam không có tự do báo chí” là xuyên tạc sự thật, bộc lộ rõ mưu đồ chống phá, tham vọng thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam của Lê Quốc Quân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét