Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Vạch trần thủ đoạn “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam

 

Vạch trần thủ đoạn “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam


Gần đây, để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường sử dụng một thủ đoạn mới mang tên “bất tuân dân sự”. “Bất tuân dân sự” thể hiện tư tưởng cực đoan, “vô chính phủ”, đang được lợi dụng gắn với cái gọi là “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Một thủ đoạn nguy hiểm núp bóng “dân sự”  

Thuật ngữ “bất tuân dân sự” bắt nguồn lần đầu tiên trong tập tiểu luận của tác giả người Mỹ Henry David Thoreau với tiêu đề “dân sự bất hợp tác” viết vào tháng 5/1849. Thực chất đây là quan điểm cực đoan, “vô chính phủ” của một kẻ vốn là phạm nhân (H.D. Thoreau viết tập tiểu luận này nhằm biện minh cho việc ông ta phải ngồi tù ở bang Massachusetts vì tội không đóng thuế).

Đến thế kỷ XX, quan điểm của Thoreau về “bất tuân dân sự” đã được phát triển thành phương thức đấu tranh bất bạo động và trở thành một mũi tiến công quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc nhằm thay đổi chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa và những nước không cùng phe với họ. Trong các “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010… đều có dấu ấn của phong trào “bất tuân dân sự”. Gần đây nhất là phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (từ năm 2017 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên Hồng Công (năm 2014 và 2019) đều thể hiện rất rõ thủ đoạn “bất tuân dân sự”. Điểm chung của các phong trào này là nhằm gây trở ngại cho hoạt động thực thi công lý, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây khủng hoảng toàn diện cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về “bất tuân dân sự” nhưng thực chất “bất tuân dân sự” là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số  đạo luật  nhất định nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền; bản chất là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, “bất tuân dân sự” dù bề ngoài có vẻ ôn hòa, núp bóng “dân sự”, không bạo lực vũ trang, nhưng hoạt động “bất tuân dân sự” được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động sử dụng thành thủ đoạn phản cách mạng nhằm chống phá, lật đổ chính quyền, âm mưu làm thay đổi chế độ chính trị ở những quốc gia tiến bộ, không cùng “quỹ đạo” với chúng.

Thủ đoạn “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước ta

Ở Việt Nam, hoạt động lợi dụng “bất tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành “phong trào” gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Có thể nhận thấy, âm mưu, thủ đoạn “bất tuân dân sự” như sau:

Về mục đích, thông qua việc từ chối tuân theo hay vi phạm một cách cố ý các quy định của pháp luật hoặc cản trở việc thực thi chính sách, pháp luật; các đối tượng thực hiện “bất tuân dân sự” nhằm mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa hoạt động của chính quyền, tiến tới lật đổ nhà nước, thay thế bằng một chế độ chính trị mới theo mô hình của chủ nghĩa tư bản.

Về chủ thể tiến hành, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị và người nhẹ dạ, ngộ nhận, hay sẵn có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền là những đối tượng dễ bị lừa bịp, mua chuộc, lôi kéo tham gia. Đứng sau hậu thuẫn là các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài như: “Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”…; đồng thời chỉ đạo, tài trợ kinh phí, đào tạo, huấn luyện phương thức hoạt động “bất tuân dân sự”.

Về thời điểm, các thế lực thù địch đặc biệt lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thời điểm các đoàn nguyên thủ quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; lợi dụng những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia để kích động, lôi kéo người dân tham gia “bất tuân dân sự” và đưa ra những yêu sách, như: “Đòi bảo vệ chủ quyền, môi trường”, đòi “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”… Khi gặp thời điểm thuận lợi và đủ điều kiện chín muồi, các thế lực thù địch có thể chuyển hóa từ hình thức bất bạo động thành bạo động rất nhanh chóng. Khi đó, các đối tượng cộm cán, cầm đầu kêu gọi, kích động những người tham gia đấu tranh “ôn hòa, bất bạo động” tiến hành các hoạt động bạo loạn như đập phá tài sản nhà nước và công dân; chiếm trụ sở chính quyền; bắt giữ người thi hành công vụ… Qua đó, nhằm thực hiện kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng việc các cơ quan chức năng xử lý những người vi phạm pháp luật để rêu rao, xuyên tạc rằng Việt Nam “đàn áp” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.

Từ đó có thể thấy, thủ đoạn “bất tuân dân sự” là rất nguy hiểm, có thể làm thay đổi nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Hơn nữa, hoạt động này ngày càng được tổ chức chặt chẽ, bởi một số tổ chức phản động nước ngoài. Do đó, trước những âm mưu, thủ đoạn “bất tuân dân sự” hiện nay đòi hỏi các cá nhân, tổ chức cần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xã hội, chủ động nắm chắc tình hình, lật tẩy âm mưu, ý đồ của các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam để có biện pháp ngăn chặn, xử lý một cách linh hoạt, mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả, kịp thời./.

Không có nhận xét nào: