Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Việt Nam luôn nỗ lực hành động vì quyền con người

 

Việt Nam luôn nỗ lực hành động vì quyền con người


Thời gian qua, RFA liên tục có những tin, bài về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhưng với góc nhìn méo mó, xuyên tạc sự thật với ý đồ không trong sáng. Điển hình là bài viết “Nhân quyền ở Việt Nam năm 2023: tiếp tục tồi tệ từ năm 2018” của Đinh Thảo và Minh Trang.

Hãy tôn trọng sự thật

Thực tế là, không phải “Hoa Kỳ nhượng bộ Việt Nam rất nhiều trong vấn đề nhân quyền để hai bên có thể nâng cấp mối quan hệ” như nhận định của Đinh Thảo, ngược lại, Hoa Kỳ đã ghi nhận những hành động của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người và thực sự mong muốn nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là dấu ấn cho thấy nhân dân hai nước đã tiến thêm một bước quan trọng trên con đường khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Hơn nữa, trước thông tin tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình sau hơn 18 năm bị giam giữ, các tổ chức chống phá, phản động ngay lập tức sử dụng việc này để reo rắc sự hoài nghi, kích động phản đối chính quyền, hệ thống pháp luật của Việt Nam. RFA cũng không phải là ngoại lệ với rất nhiều bài viết có những nhận định chủ quan, sai lệch sự thật nhằm công kích, chống phá Việt Nam. Với tử tù Lê Văn Mạnh, bị bắt bởi lệnh truy nã bởi vụ án khác, tự nhận tội hiếp và giết nạn nhân Hoàng Thị Loan; cơ quan điều tra đã có đủ chứng cứ để kết luận Lê Văn Mạnh đã có hành vi giết người, hiếp dâm và cướp tài sản đối với nạn nhân Hoàng Thị Loan. Vụ án đã trải qua 6 phiên tòa xét xử và một phiên giám đốc thẩm, tất cả đều xét xử công khai, đúng quy trình và tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay gia đình Lê Văn Mạnh vẫn tiếp tục kêu oan, mặc dù không đưa ra được các chứng cứ, tình tiết mới có sức thuyết phục, làm thay đổi bản chất sự việc. Vì vậy, việc kết án và thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh là phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định trong điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

 Nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực vì quyền con người

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thuở khai sinh lập địa cho đến ngày nay là lịch sử đấu tranh không ngừng nghỉ cho “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nếu như, trong “Bài thơ thần” của Lý Thường Kiệt đã khẳng khái tuyên bố nền độc lập, tự do, thì trong “Bình Ngô đại cáo”, dân tộc Việt Nam tuyên cáo với đồng bào và lân bang, láng giềng về mưu cầu độc lập, tự do, hòa hiếu, hòa bình vì hạnh phúc của muôn dân. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một lần nữa dân tộc Việt Nam khẳng định với toàn thể thế giới về những nguyên tắc cơ bản nhất về quyền con người “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Cho đến nay, có thể khẳng định rằng, Nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng thụ ngày càng đầy đủ quyền con người. Những điều cốt lõi và cơ bản về quyền con người được Việt Nam thực thi một cách đầy đủ. Các quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đang đứng top đầu thế giới với 150 triệu kết nối mobile; khoảng 70 triệu người dùng internet; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và Internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã biên giới, hải đảo.

Quyền con người ở Việt Nam được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân khẳng định và bảo vệ

Trong “Lời nói đầu” của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 nêu rõ: “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”. Ở Việt Nam, quyền con người được bảo vệ bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bắt đầu từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 những ghi nhận, bổ sung và bảo đảm quyền con người ngày càng hoàn chỉnh, rõ ràng, đầy đủ hơn và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Vừa chủ động tham gia 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người, vừa không ngừng xây dựng, củng cố, bổ sung hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người hướng tới những điều tốt đẹp nhất.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc mình và đóng góp thiết thực cho cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nhận được tín nhiệm cao, nhiều lần trúng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 và nhiệm kỳ 2023 – 2025. Qua đó, thể hiện sự tín nhiệm, coi trọng của các quốc gia đối với Việt Nam về những nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm quyền con người không chỉ ở trong nước mà trên phạm vi toàn cầu.

Không có nhận xét nào: