Chiến lược “Diễn biến hòa bình” là thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mà tham nhũng, tiêu cực là một trong những biểu hiện của nó; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng chính các hành vi, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo ra các hoạt động chống phá, họ đưa ra các luận điệu xuyên tạc rằng: “tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ một đảng ở Việt Nam”; hoặc “Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công; Việt Nam càng chống, tham nhũng càng nặng, bởi vì đó là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng cầm quyền”. Họ còn cho rằng, thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”, “triệt hạ lẫn nhau” trong Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v. Cũng mới đây thôi trang facebook RfA viết “Sau hàng chục vụ án tham nhũng bị phanh phui, một số nhà quan sát cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” một cách có chọn lọc, chỉ nhắm vào những người chống đối ông trong Đảng mà thôi.”. Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên là hết sức thâm độc, xảo trá, phản động, xuyên tạc những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, từng bước hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích của họ là từng bước phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vậy tại sao các thế lực thù địch lại lợi dụng, xoáy sâu vào vấn đề tham nhũng, tiêu cực? Bởi vì, đây luôn là vấn đề “rất nóng”, được dư luận hết sức quan tâm; đó còn là biểu hiện rõ ràng nhất của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; là “cái cớ” để các thế lực thù địch sử dụng nhằm thổi phồng khuyết điểm, bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, tham nhũng là “giặc nội xâm”, nhiệm vụ chống lại nó “cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận”; các luận điệu này làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thêm khó khăn, phức tạp, thậm chí nhiễu loạn trong nhân dân, chia rẽ nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu chúng ta không tỉnh táo, không phân biệt đúng, sai, thật, giả, hậu quả là bất ổn về kinh tế, chính trị, thậm chí rối loạn, dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc sai trái, lợi dung cuộc chiến này để thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Chúng ta đều biết, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với quyền lực, là “khuyết tật bẩm sinh”, sự tha hóa của quyền lực mà bất kể chế độ xã hội nào trên thế giới cũng đều phải đương đầu với nó. Chính vì thế, tham nhũng không phải là sản phẩm riêng có của chế độ “độc đảng”, hay “bản chất” của thể chế nhất nguyên chính trị như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, rêu rao. Thực tiễn đã chứng minh, bất kỳ thể chế chính trị nào cũng đã và đang phải đương đầu với tệ tham nhũng. Kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Cũng có nghĩa, không hề có chuyện “đốt lò” một cách có chọn lọc; tất cả, dù là ai, làm gì, ở đâu, khi sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Có thể nói chưa bao giờ có nhiều ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng cả đương nhiệm, nghỉ hưu bị xử lý như vậy. Nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định chính trị, được thế giới ghi nhận. Kết quả đó đến từ ý chí kiên định và bản lĩnh chính trị của Đảng ta. Người dân yêu mến gọi Tổng Bí thư là “người đốt lò vĩ đại”. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ông dẫn dắt đang theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” Tham nhũng, tiêu cực suy cho cùng là sản phẩm của suy thoái quyền lực. Đảng đã nhận thức được nguy cơ ấy nên thời gian gần đây đã ban hành các Quy định 114-QĐ/TW, 131-QĐ/TW, 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là bước cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính những hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, bài bản, thận trọng, chắc chắn và kết quả đạt được của Việt Nam, mà trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2022, Việt Nam tăng 03 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và tiến 10 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2021, lên 77/180, thuộc nhóm nước có tiến bộ nổi bật, cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam những năm qua. Các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, cho rằng: công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam hiện nay là “mạnh mẽ hơn lúc nào hết”; “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống”.
(1) Bình luận về công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, báo The Economist, một tờ báo phục vụ độc giả nói tiếng Anh, đã sử dụng nguyên văn cụm từ “Dot lo” bằng tiếng Việt; điều này chỉ từng xảy ra với một vài cụm từ tiếng Việt nổi tiếng như “đổi mới”, hay “áo dài”; việc dùng cụm từ “Đốt lò” cho thấy, công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam tạo nên ấn tượng với cộng đồng quốc tế.
(2) Ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào nói về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam “Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống. Tôi cho rằng, đây là động thái đúng đắn và cho tôi hy vọng rằng tham nhũng, tiêu cực sẽ không diễn ra khi thấy Đảng và Chính phủ xử lý tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như thế cũng như nhìn thấy hậu quả nếu tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh mới đây cũng là một quyết định đúng”.
(3) Những nỗ lực trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí quốc tế, với tựa đề “Điều gì đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng mới nhất của Việt Nam” đăng tải trên Bloomberg đã phân tích về chiến dịch phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á, theo bài viết “Việt Nam, một đất nước với khoảng 100 triệu dân, có thể trở thành một quốc gia hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài nếu tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh của mình”.
(4) Mới đây Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ)”. Tại hội thảo, bà Carolyn Dubrovsky, Phó tham tán Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, hội thảo lần này là cơ hội để Hoa Kỳ và Việt Nam mở rộng hợp tác trong lĩnh vực PCTN. Bà cũng đánh giá cao nỗ lực PCTN của Việt Nam trong những năm qua. Ông Patrick Haverman, Phó đại diện Thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, tham nhũng là vấn nạn trên thế giới. Tình trạng tham nhũng xảy ra ở các nước với những mức độ khác nhau. Nhận định về công tác PCTN tại Việt Nam, ông Haverman cho biết, Việt Nam đã có nỗ lực đáng kể trong công tác này. Theo ông, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) vào năm 2009. Kể từ đó đến nay, các biện pháp PCTN đã được triển khai quyết liệt tại Việt Nam.
(5) Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách thuộc Đại học Queensland, Australia, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Sydney. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải tin rằng nếu có chỉ số đánh giá mức tín nhiệm tích cực của người dân về công cuộc chống tham nhũng, chắc chắn chỉ số đó sẽ tăng qua từng năm. Theo ông, số vụ việc tham nhũng được xử lý công khai càng nhiều sẽ càng nâng cao mức độ tín nhiệm đối với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Chu Hoàng Long, chuyên gia về kinh tế Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh việc Việt Nam thăng hạng trong báo cáo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) gần đây nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế là dấu hiệu cho thấy đánh giá về chống tham nhũng của Việt Nam đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney,Tiến sĩ Chu Hoàng Long lưu ý trong báo cáo CPI mới nhất, Tổ chức Minh bạch quốc tế kết luận trong số 180 nước được xếp hạng, 31 nước có tình hình tham nhũng xấu đi, 124 nước dẫm chân tại chỗ và chỉ có 25 nước có tiến bộ. Việt Nam là một trong số 25 nước đó, tăng 3 điểm và 10 bậc so với xếp hạng lần trước. Theo Tiến sĩ Chu Hoàng Long, nhìn vào chỉ số này, có thể nói Việt Nam là một điểm sáng trong phòng chống tham nhũng. Cho tới hôm nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi PCTN đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc.
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, 9 chữ cơ bản, gói gọn tư tưởng, học thuyết của Nho giáo, một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Điểm chung trong tư tưởng này, đó là dù ở phạm vi nào, gia đình (tề gia) hay quốc gia (trị quốc) thì cá nhân người đầu tàu phải thể hiện được tư chất, uy tín. Dấu ấn “thuyền trưởng” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương. Đây chính là minh chứng sinh động, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng cuộc chiến này để thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét