Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

HRMI cần chấm dứt việc đánh giá thiếu khách quan về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

 

HRMI cần chấm dứt việc đánh giá thiếu khách quan về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

          - Ngày 04/7, trang facebook VOA Tiếng Việt đăng công bố Báo cáo thường niên của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative - HRMI) có trụ sở tại New Zealand cho rằng: tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023. Họ tùy tiện quy chụp: “Nhà nước Việt Nam bắt giữ tùy tiện, người dân bị tra tấn và ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua Tòa án”. Thực chất, đây là luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, thiếu khách quan và chứa đựng những định kiến đối với những nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Bởi, HRMI chỉ thông qua các cuộc phỏng vấn một số đối tượng phản động, lưu vong có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam để đưa ra nhận xét sai lệch.  

Cần khẳng định rõ: ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị,… được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 đã dành tới 36/120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các luật, bộ luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo đúng chuẩn mực Công ước quốc tế về nhân quyền. Theo đó, tòa án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Chính vì thế, không có chuyện “Nhà nước Việt Nam bắt giữ tuỳ tiện, người dân bị tra tấn và ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua Tòa án” như quy chụp xuyên tạc phi lý của HRMI. Mà chỉ có những kẻ lợi dụng các quyền “tự do”, “dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật mới phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Việc xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật được các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam tiến hành công khai, minh bạch, theo đúng luật định.

Không ai có thể phủ nhận thực tế những thành tựu về thúc đẩy và đảm bảo quyền con người tại Việt Nam thời gian qua. Điều này luôn được quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Đầu tháng 5 vừa qua, tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), nhiều nước đã ghi nhận và đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Các nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số, v.v.

Trong bài viết “Nhân quyền ở Việt Nam: Sự thật hơn lời nói”, tác giả Moisés Pérez Mok, Trưởng Cơ quan thường trú của Hãng thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina tại Hà Nội, khẳng định: những tiến bộ không thể phủ nhận mà Việt Nam đạt được nhờ thực hiện nhất quán chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Theo nhà báo Moisés Pérez Mokt, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, cũng như quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam được đảm bảo. Sau 26 năm kết nối internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet (tăng 21% so với số thuê bao năm 2019). Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38%. Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước.

Còn tác giả Grigory Trofimchuk - chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam trong bài “Việt Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” trên báo Độc lập của Nga, nhấn mạnh: một trong những khía cạnh khó khăn nhất của vấn đề nhân quyền là tôn giáo. Tại Việt Nam, một nhà nước xã hội chủ nghĩa, đời sống tôn giáo của người dân hoàn toàn cởi mở. Hiện 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí còn cao hơn ở Nga. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Nhiều loại hình tín ngưỡng, di tích, đồ thờ cúng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới. Tác giả nhấn mạnh điều này có vẻ xa lạ đối với một nhà nước chủ nghĩa xã hội, nhưng đó là sự thật tại Việt Nam.

         Bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là một quá trình lâu dài, liên tục và cần sự nỗ lực của mỗi quốc gia. Đặc biệt, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực còn hạn chế và nhiều thách thức, cản trở trong giải quyết các vấn đề quyền con người thì thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền phải là quá trình lâu dài. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, giá trị truyền thống, trình độ phát triển, chế độ chính trị,… đều có cách tiếp cận nhân quyền phổ quát là khác nhau; có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền; có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền; không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng.

Vì vậy, HRMI cần chấm dứt ngay việc đánh giá quy chụp thiếu khách quan về những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào: