Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Phản bác luận điệu xuyên tạc kết quả Hiệp định Giơnevơ năm 1954

 

Phản bác luận điệu xuyên tạc kết quả Hiệp định Giơnevơ năm 1954

         - Nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 70 năm Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết (20/7/1954 – 20/7/2024), trên trang “Baotiengdan”, Đỗ Kim Thêm đã xuyên tạc, cho rằng: “Kết quả Hiệp định Giơnevơ là một cách thu xếp quyền lợi của các cường quốc có ít nhiều quan hệ với Việt Nam và không phản ảnh thực tế chính trị và quân sự của Việt Nam. Việt Minh chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng tại bàn Hội nghị Giơnevơ không chiếm ưu thế tuyệt đối mà chỉ tham gia để cùng tranh giành quyền lực”.

Cần khẳng định rõ: đây là một luận điệu sai trái, nhằm xuyên tạc, phủ nhận kết quả Hiệp định Giơnevơ, gây hoài nghi, hướng lái dư luận hiểu sai về ý nghĩa lịch sử và thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, bởi:

Lịch sử đã ghi rõ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Hội nghị diễn ra trong bối quốc tế có nhiều phức tạp. Chiến tranh Lạnh từ Châu Âu lan sang châu Á, các nước lớn tìm cách tránh xung đột quân sự trực tiếp và dần chuyển sang hòa hoãn. Do đó, tại Hội nghị Tứ cường ở Béc-lin từ 25/1 đến 18/02/1954, các nước lớn đã quyết định triệu tập Hội nghị Giơnevơ để bàn về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn của báo Thụy Điển Expressen ngày 26/11/1953 đã nêu rõ: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.

Việt Nam bước vào Hội nghị Giơnevơ với tư cách của người chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ta đã xác định rõ mục tiêu đàm phán: giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, coi đây là lợi ích cao nhất và là mục tiêu cơ bản phải đạt được trong Hội nghị Giơnevơ, đồng thời kiên trì và linh hoạt đấu tranh cho một giải pháp toàn diện cả quân sự và chính trị. Về quân sự là ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương; về chính trị là bảo đảm hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị, chúng ta đã luôn chủ động tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế. Cùng với đấu tranh trên bàn đàm phán, chúng ta đã tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao chính thức với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Pháp; gặp gỡ, họp báo, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại với nhiều đoàn thể nhân dân, chính giới Pháp và cộng đồng quốc tế. Trải qua 75 ngày, với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao, đến ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ kết thúc và ra Tuyên bố chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, gồm những nội dung quan trọng như: đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương.

Đó là sự thật, không một ai và thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Cần nhắc lại cho ai đó có những dã tâm và âm mưu đen tối biết rằng: thắng lợi đó đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Và, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tạo cơ sở chính trị - pháp lý quốc tế quan trọng giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước vững bước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới thành công và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển.

Thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trên cơ sở giữ vững những vấn đề thuộc về nguyên tắc, song luôn linh hoạt về cách thức tiến hành, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ mạnh mẽ của nhân dân và các tổ chức yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo thành sức mạnh tổng hợp để vừa đấu tranh, vừa đàm phán, thương lượng đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ thành công. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, gồm: độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam.

Sự thật lịch sử và ý nghĩa cùng giá trị to lớn của Hiệp định Giơnevơ là không thể xuyên tạc, phủ nhận. Chúng ta cần nêu cao cảnh giác trước những chiêu trò, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; đồng thời, vạch mặt và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam./.

Không có nhận xét nào: