Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Vạch trần âm mưu thâm độc của Song Chi

 

Vạch trần âm mưu thâm độc của Song Chi

Lợi dụng các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng để chống phá cách mạng là một trong những âm mưu, hoạt động thâm độc của các thế lực, thù địch, phản động. Bài viết: “Phật giáo Việt Nam và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề” của Song Chi đăng trên “Bbc” là một trong số đó.

Lợi dụng việc một số chức sắc Phật giáo bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, như: Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhuận Đức, Song Chi đã xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam nói chung, Phật giáo nói riêng. Song Chi đã đánh đồng những người này với những tín đồ, chức sắc Phật giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, vì họ đã “tích cực tham gia chính trị, hết lòng trung thành với đảng, với chế độ”. Từ đó, bài viết xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam “được nhà nước cộng sản lập ra để khống chế phật giáo trong nước, để đánh bóng bộ mặt nhà nước trên trường quốc tế” hay “phục vụ chế độ, phục vụ cho một số quan chức, chứ không phải để xiển dương đạo pháp đúng nghĩa”. Song Chi phiến diện cho rằng: “khi còn chế độ độc tài, khi chưa có tự do tôn giáo” thì tình trạng đó vẫn tiếp diễn, và đưa ra lời khuyên: “phải chấp nhận có những tổ chức Phật giáo khác nhau, nhiều hình thức tu khác nhau, chứ không phải bất cứ ai, tổ chức nào đứng bên ngoài hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là ngăn cấm, đàn áp, tiêu diệt”. Thực chất của những luận điệu trên là xuyên tạc, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch tự do tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế đã bác bỏ những luận điệu trên.

Thứ nhất, những chức sắc Phật giáo bị kỷ luật vì họ đã vi phạm Hiến chương, giáo lý, giáo luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bất kỳ tổ chức, dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có luật lệ, pháp luật để quy định việc các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ, thực hiện, nếu thành viên nào vi phạm đều bị tổ chức đó xử lý. Trong tôn giáo cũng vậy, mỗi một tôn giáo đều có giới luật, luật lệ riêng để quy định về những điều chức sắc, chức việc, tín đồ của mình được làm hay không được làm, qua đó khuyến khích con người làm lành, tránh dữ. Tại Điều 7, Chương II, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX năm 2023 ghi rõ: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới”. Điều 11, Chương III cũng nhấn mạnh: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc lấy Đạo pháp làm mục tiêu tối thượng; Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử làm trung tâm; các thành viên tham gia tự nguyện, đoàn kết, hòa hợp, kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật và tuân thủ pháp luật Nhà nước”. Tại Khoản 2, Điều 82, Chương XIII quy định: “Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hoạt động và hành vi làm tổn hại đến thanh danh, đến sự hòa hợp, đến quyền lợi của Giáo hội hoặc các thành viên của Giáo hội, phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc, Giáo hội sẽ xử lý theo giáo luật và tùy mức độ vi phạm, Giáo hội sẽ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật”. Đối chiếu với các quy định trên, nếu chức sắc, tín đồ nào vi phạm, tùy theo mức độ mà sẽ bị tổ chức tôn giáo quản lý xử lý kỷ luật. Các chức sắc Phật giáo mà Song Chi đề cập trong bài viết đã vi phạm Hiến chương, giáo lý, giáo luật nên đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, chứ hoàn toàn không phải họ bị “ngăn cấm, đàn áp, tiêu diệt”.

Thứ hai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho tăng ni, tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã chứng tỏ là một tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả của Phật giáo đã giáo dục con người biết sống vị tha, hòa hợp, coi trọng bình đẳng và tiến bộ xã hội. Giáo lý của Phật giáo rất phù hợp với đạo đức xã hội ở Việt Nam. Phật giáo là môi trường hoặc tạo điều kiện cho các loại hình văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc… phát triển. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, Phật giáo đều để lại những dấu ấn sâu đậm, thể hiện tinh thần gắn bó đồng hành cùng dân tộc, nhiều nhà sư đứng ra giúp đời, giúp nước được sử sách ghi nhận.

Tháng 11/1981, thể theo ý chí, nguyện vọng của tăng ni, tín đồ phật tử cả nước, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 168 đại biểu tăng ni, cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái trong cả nước. Đại hội đã thống nhất thành lập một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, thông qua Hiến chương và đường hướng hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tuyệt đại đa số tăng ni đã tích cực góp phần xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một trưởng thành, khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế và uy tín thông qua việc mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế, tích cực hỗ trợ hoạt động của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, đăng cai và phối hợp tổ chức thành công 3 kì Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc VESAK tại Việt Nam (2008, 2014, 2019). Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, giảm bớt những khó khăn, gánh nặng cho cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng: xây cầu, đóng góp làm đường giao thông nông thôn, nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV – AIDS, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh. Điều đó khẳng định những đóng góp xứng đáng của Phật giáo cho sự nghiệp cách mạng. Còn những tín đồ, chức sắc vi phạm Hiến chương, giáo lý, giáo luật chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, chứ không phải là bản chất, “biến tướng, biến chất” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Song Chi và đồng bọn xuyên tạc.

Như vậy, bài viết “Phật giáo Việt Nam và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề” đã xuyên tạc, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về Phật giáo nói riêng, tự do tôn giáo ở Việt Nam nói chung. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác vạch trần và đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của chúng./.

Không có nhận xét nào: