PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA ĐÀI VOA VỀ TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
Vừa qua, trên trang “Voatiengviet” có bài viết: “Liên Hiệp Quốc công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền”, cho rằng, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng rất xấu. Cụ thể là, quyền con người, tự do báo chí, xã hội dân sự… bị đàn áp, cấm hoạt động. Vì vậy, yêu cầu Việt Nam thực hiện 320 khuyến nghị của các nước về nhân quyền. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn của Đài VOA và các thế lực thù địch về nhân quyền ở Việt Nam.
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, quyền con người, quyền công dân là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Quyền con người, quyền công dân được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của nhân dân. Các quyền này gồm: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận và báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, tự do nghiên cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân… Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Song, không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Bất cứ ai vi phạm các quyền này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 11/10/2022 với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam là một trong 14 thành viên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, điều này khẳng định sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam được quốc tế công nhận, nên VOA không thể xuyên tạc, phủ nhận.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí của Việt Nam khẳng định: báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có trên 1.000 cơ quan báo in và báo điện tử, trên 90 kênh phát thanh và khoảng 200 kênh truyền hình cùng với sự tham gia của hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định: hoạt động báo chí đã và đang góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; là vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần làm sáng tỏ và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là phương tiện, là công cụ đắc lực giúp Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước; là lực lượng quan trọng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, định hướng đúng đắn dư luận xã hội; phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động; được luật pháp bảo vệ. Như vậy, ở Việt nam không đàn áp báo chí, mà báo chí hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Thứ ba, các thế lực thù địch muốn xây dựng xã hội dân sự trở thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước, đòi Nhà nước chia sẻ quyền lực chính trị cho xã hội dân sự, lợi dụng xã hội dân sự để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, liên kết các tổ chức xã hội dân sự để thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hình thành tổ chức chính trị đối lập cùng với các thế lực bên ngoài tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam hòng “phi chính trị hóa” các tổ chức này. Tìm cách tiếp xúc, móc nối, mua chuộc cán bộ, đảng viên trong nội bộ để tuyên truyền, kích động tâm lý bất mãn với Ðảng, Nhà nước. Phủ nhận, xét lại lịch sử và giá trị văn hóa dân tộc; kích động tư tưởng vô chính phủ, tuyên truyền các giá trị phương Tây… Từ đó làm đổi màu các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan do dân bầu trong hệ thống chính trị. Thông qua các tổ chức xã hội dân sự để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn tạo ra tâm lý phản kháng, kích động quần chúng chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tiến tới xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Toàn cầu của Liên hợp quốc công bố, năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54/150, tăng 11 bậc so với năm 2023. Kết quả này, là sự thừa nhận và khẳng định của Liên hiệp quốc rằng, người dân Việt Nam đang rất hạnh phúc, nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tiến bộ nên các thế lực thù địch không thể phủ nhận, xuyên tạc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét