CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Với mưu đồ chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ngày càng đẩy mạnh xuyên tạc, phủ nhận thành quả đổi mới của Việt Nam, trong đó, tập trung chống phá đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Gần đây, trên Doithoaionline, Vũ Đức Khanh viết bài: “Nền kinh tế nhân văn: Đáp án cho sự phát triển toàn diện của con người”, Y cho rằng: “Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản là sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và sự điều khiển, quản lý của nhà nước… Việt Nam đã áp dụng mô hình này để giữ vững sự kiểm soát chính trị của Đảng cộng sản trong phát triển kinh tế”.
Thực chất đây là quan điểm sai trái, nhằm phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính ưu việt trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; gây nên những hoài nghi, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, hướng lái Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản.
Thứ nhất, trước đổi mới (1986), Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch tập trung mang tính bao cấp, đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đất nước có chiến tranh. Tuy nhiên, khi đất nước bước vào đổi mới, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dẫn đến nền kinh tế kế hoạch tập trung mang tính bao cấp không còn phù hợp. Theo đó, Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại; là sự đổi mới, vận dụng đúng quy luật của kinh tế thị trường vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam; bảo đảm phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thuộc tính cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm. Những nội dung đó thể hiện rõ tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, đó là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa tính tự phát của thị trường, chăm lo đến lợi ích của nhân dân, đến tiến bộ và công bằng xã hội, song luôn giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tạo tiền đề cho xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ hai, từ Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước; chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp. Đại hội VII (năm 1991), xác định: Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội IX (năm 2001) đến nay, đều xác định rõ: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 hiến định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.
Thứ ba, thực tiễn qua gần 40 đổi mới, từ 1986 đến nay, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng phát triển, Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đời sống của nhân dân được nâng lên. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đánh giá rõ: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển. Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Liên tiếp từ 2016 đến 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước có kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; từ 1986 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần. Quy mô GDP nước ta năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015, đạt khoảng 343,2 tỷ USD; năm 2022 đạt 9.513 tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 đạt 5,05%; theo dự báo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 26/8/2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 6,1%.
Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại và thực tiễn Việt Nam; bảo đảm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển kinh tế là một trụ cột trong phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận diện rõ luận điệu của Vũ Đức Khanh xuyên tạc, phủ nhận nền hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét