GIÁ TRỊ ĐƯỜNG LỐI PHÁT HUY NGUỒN LỰC NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài; luôn coi kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đánh giá cao những đóng góp của kiều bào đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được đông đảo kiều bào và Nhân dân cả nước quan tâm, hưởng ứng, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng, với giọng điệu hằn học, nhằm khơi dậy hận thù, các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng những khó khăn, bức xúc của đồng bào ở nước ngoài; những hạn chế trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài… để xuyên tạc, phủ nhận giá trị đường lối phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chúng rêu rao rằng: Hòa hợp, hòa giải dân tộc chỉ là “cái bẫy” của cộng sản; ở Việt Nam không thể có hòa hợp, hòa giải dân tộc nếu còn chế độ cộng sản; thực hiện nghị quyết số 08, 36 đều không thành công… Đây là những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta, cần phải vạch trần và đấu tranh bác bỏ.
Đường lối, chính sách của Đảng về phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài có giá trị về tư tưởng, lý luận không thể phủ nhận:
Đường lối phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài có giá trị to lớn đối với việc quy tụ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước đánh giá cao tình cảm sâu sắc của kiều bào đối với đất nước. Nên, ngay sau khi thành lập nước (năm 1945), Đảng, Chính phủ coi trọng việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đã vận động, kêu gọi nhiều trí thức kiều bào ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến, cùng với toàn thể dân tộc thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi nguồn lực vật chất, tinh thần của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, trong các kỳ đại hội, Đảng ta đều đề ra các chủ trương, chính sách vừa phát huy nguồn lực của kiều bào, vừa hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý, phát triển kinh tế, đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại và tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Đảng ta đã có nghị quyết riêng về người Việt Nam ở nước ngoài: Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 45-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 và ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ; đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là bộ phận có đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ở chiều ngược lại, bà con kiều bào cũng bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, có những thời điểm bà con chưa nắm rõ đường lối, chính sách của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những người trước kia có liên quan đến chính quyền Sài Gòn, họ còn e ngại, không dám về quê thăm thân, không dám đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sau khi được tuyên truyền, nắm rõ đường lối, chính sách của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đa số kiều bào đã có cái nhìn khác về đất nước, vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới, không còn tâm lý e ngại, lo sợ khi về thăm quê hương và tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn bó với quê hương, đất nước, góp phần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.
Đường lối phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài góp phần tạo điều kiện cho đồng bào ở nước ngoài đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước.
Trên cơ sở đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành luật và chính sách: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh, Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài…; tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để kiều bào về thăm quê hương và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời, có nhiều chương trình, cách làm thiết thực giúp nối vòng tay lớn với kiều bào như: Xuân quê hương; người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển, đảo; trại hè Việt Nam… Nhờ đó, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng xóa bỏ mặc cảm, gắn bó với quê hương. Đại bộ phận đều hướng về Tổ quốc, nhiều người đã gạt bỏ tâm lý lo lắng, e ngại để về thăm, làm ăn, sinh sống và tham gia đầu tư xây dựng quê hương đất nước, đã tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước: Vingroup, Sun Group, Techcombank…
Hiện nay, có khoảng 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng (năm 2023 là 16 tỷ USD tăng 32,5% so với năm 2022). Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư; góp phần giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân; thúc đẩy vai trò cầu nối giao thương của người Việt Nam ở nước ngoài trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Hằng năm, có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học – công nghệ trong nước, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thực tế trong các vấn đề xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển đất nước.
Đường lối, chính sách phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài giúp đồng bào ở nước ngoài có cơ sở pháp lý, hòa nhập với nước sở tại và phát huy truyền thống, văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh việc động viên, khuyến khích đồng bảo ở nước ngoài tích cực đóng góp vật chất và tinh thần đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài còn thể hiện sự quan tâm, chú trọng bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đồng bào có cơ sở pháp lý vững chắc, được pháp luật nước sở tại bảo vệ, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực. Hỗ trợ bà con người Việt làm các thủ tục pháp lý theo quy định sở tại, giữ gìn và phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; hỗ trợ người Việt tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi chiến sự, thiên tai, hỏa hoạn, di dời tái định cư. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (08/9).
Do vậy, phần lớn bà con đã có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao, một số đã tham gia chính trường sở tại. Người Việt Nam ở nước ngoài được vinh danh với các giải thưởng quốc tế. Tại Slovakia, cộng đồng người Việt được Chính phủ nước này công nhân là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 của Slovakia; thể hiện sự lớn mạnh của cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con đóng góp cho sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Thực tế sinh động đó, chứng tỏ giá trị to lớn của đường lối phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với việc quy tụ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới; đồng thời, giúp đồng bào ở nước ngoài có cơ sở pháp lý, hòa nhập với nước sở tại và phát huy truyền thống, văn hóa truyền thống Việt Nam, góp phần tăng cường hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Đó là bằng chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về người Việt Nam ở nước ngoài của các thế lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét