Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

 

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dânđòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, mục đích làm suy giảm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, làm cho lực lượng vũ trang không còn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

  1. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân

          Một trong những âm mưu, thủ đoạn nằm trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành chống phá các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, được thực hiện từ những thập niên 40 của thế kỷ XX. Thực chất mục tiêu chống phá của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, tách lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu, mất sức chiến đấu, vô hiệu hóa lực lượng vũ trang, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, lực lượng vũ trang các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô trước đây, đã bị phi chính trị hóa, Đảng Cộng sản bị “vô hiệu hóa”, mất vai trò lãnh đạo lực lượng vũ trang, dẫn đến sự sụp đổ, tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này.

Đối với cách mạng Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), lãnh đạo, tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã luôn tìm mọi cách chống phá, không công nhận, phủ nhận đường lối, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang, ngăn cản việc tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ở Việt Nam.

Nội dung, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian qua mặc dù có những điều chỉnh, song, âm mưu của chúng thì không hề thay đổi. Chúng ngày càng đẩy mạnh hơn các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, những nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó tập trung phủ nhận nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, chia rẽ lực lượng vũ trang với Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Phương thức và nội dung chống phá, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các tổ chức, các kênh thông tin, báo chí nước ngoài, trang mạng hải ngoại như BBC tiếng Việt, VOA, RFA, RFI, hội người Việt chống Cộng hải ngoại để tuyên truyền chống phá; thực hiện lôi kéo, mua chuộc, móc nối với những phần tử cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài, thông qua “hợp tác để chống phá”, vừa hợp tác vừa đưa ra các điều kiện, ngấm ngầm tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động chống phá; thông qua các “hội thảo”, “tọa đàm”, “phỏng vấn” những nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị, nhà hoạt động dân chủ… để lồng ghép các quan điểm trái chiều, tuyên truyền, cổ súy cho Học thuyết “lực lượng vũ trang phi giai cấp”, “lực lượng vũ trang nhà nghề”, “lực lượng vũ trang chỉ cần trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, không cần trung thành với Đảng”.

Chúng lợi dụng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Đại hội Đảng các cấp, những dịp kỷ niệm lớn như: Ngày thành lập Đảng (03/02/1930); Quốc khánh (02/9/1945); chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954); ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975); ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12/1944), thành lập Công an nhân dân (19/8/1945) để chống phá, đưa ra những luận điểm “mập mờ” nhằm đánh tráo khái niệm, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lợi dụng việc đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước bằng “Thư ngỏ”, “Kiến nghị” về chính sách quốc phòng, an ninh để đưa ra quan điểm Việt Nam muốn hội nhập quốc tế sâu rộng, đất nước phát triển, có lực lượng quân sự mạnh, cần phải xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 hiến định về sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, cần xây dựng lực lượng vũ trang theo “mô hình” của các nước tư bản.

Theo đó, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng một số vi phạm của cán bộ, chiến sĩ; các vụ việc vi phạm pháp luật, một số đối tượng, bị bắt, khởi tố, đưa ra xét xử để bịa đặt, vu khống cho rằng lực lượng vũ trang đàn áp nhân dân, không bảo vệ quyền và lợi ích của người dân; sau đó cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, You Tube, Zalo… Đơn cử như, chúng đã lợi dụng vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (01/2020); vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong (6/2021); vụ việc khủng bố ở Đắk Lắk (6/2023) để xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu khống chính quyền và lực lượng công an, quân đội đàn áp nhân dân, “đánh lái” vụ việc cho rằng xung đột, mẫu thuẫn giữa lực lượng vũ trang với nhân dân, nhằm làm mất uy tín, niền tin của Nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị quân đội, công an, dân quân tự vệ; kích động, lôi kéo các phần tử cơ hội gây rối an ninh chính trị, trật tự xã hội, xúi dục thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sự chống phá nguy hiểm của chúng còn là âm thầm tác động cả gián tiếp và trực tiếp đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; thực hiện từng bước “thẩm thấu” tư tưởng “lực lượng vũ trang phi giai cấp”, “lực vũ trang chỉ tuân theo pháp luật”, lối sống thực dụng, dân chủ phương tây, gây nên sự hoài nghi, mất niềm tin vào con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm xói mòn tính Đảng, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, bản chất giai cấp công nhân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dẫn đến mất định hướng chính trị, từ đó lực lượng vũ trang không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, đã có một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên và quần chúng nhân dân hoang mang, hoài nghi, giao động về lập trường, tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, thậm chí còn tiết tay, cổ súy cho âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Tóm lại, đây là một âm mưu, thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm, mưu đồ đen tối nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, cần nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ và giữ vững vị trí, vai trò, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang trong tình hình mới. Đây là vấn đề cấp thiết, nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân.

2. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân là tất yếu khách quan

Lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ: Lực lượng vũ trang ra đời luôn gắn liền với đấu tranh giai cấp trong xã hội có phân chia giai cấp. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen: Lịch sử xã hội loài người từ khi phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, lực lượng vũ trang bao giờ cũng là công cụ chính trị của giai cấp và nhà nước thống trị; do nhà nước, giai cấp đó thành lập, nuôi dưỡng, sử dụng để tiến hành đấu tranh vũ trang, thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó. Giai cấp nào muốn giành và giữ quyền thống trị xã hội, đều phải tổ chức ra lực lượng vũ trang và lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang. Ph.Ăngghen viết: “Từ năm 1845, Mác và tôi giữ quan điểm cho rằng một trong những kết quả cuối cùng của cuộc cách mạng vô sản tương lai sẽ là sự mất đi dần dần cái tổ chức chính trị mang tên là nhà nước… Cùng với sự mất đi của thiểu số có đặc quyền đó thì sự cần thiết phải có lực lượng vũ trang để áp bức”[1].

Các nhà kinh điển cũng chỉ ra cho giai cấp vô sản con đường đúng đắn nhất để tự giải phóng mình, đó là Đảng Cộng sản phải lãnh đạo giai cấp công nhân liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân, dùng bạo lực cách mạng đập tan bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản, lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, dùng nhà nước đó làm công cụ để bảo vệ quyền thống trị của mình đối với toàn xã hội. Để thực hiện điều đó, giai cấp vô sản phải tổ chức ra lực lượng vũ trang của mình, lãnh đạo lực lượng vũ trang cùng với nhân dân lao động lật đổ giai cấp thống trị và bảo vệ thành quả cách mạng.

Bảo vệ và phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin đã khẳng định tính tất yếu của việc xây dựng quân đội kiểu mới, lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản. V.I.Lênin nêu lên một hệ thống các nguyên tắc về xây dựng lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản; trong đó có nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang về mọi mặt. Theo V.I.Lênin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”[2], do đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang là tất yếu khách quan, nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Lịch sử ra đời và phát triển lực lượng vũ trang của các nước trên thế giới cũng cho thấy, bao giờ lực lượng vũ trang cũng có quan hệ hữu cơ với giai cấp và nhà nước đã sinh ra nó, mang bản chất của giai cấp cầm quyền. Ở các nước tư bản thực hiện chế độ đa đảng, lực lượng vũ trang thực hiện mục tiêu chính trị của giai cấp, nhà nước tư sản, là công cụ để đàn áp và áp bức những người lao động, bảo vệ chế độ chính trị, quyền lực chính trị, kinh tế của giai cấp thống trị, bóc lột trong xã hội. Vì vậy, khi đảng chính trị nào cầm quyền thì đều tìm mọi cách để nắm lực lượng vũ trang. Đối với lực lượng vũ trang ở các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tổ chức giáo dục, rèn luyện; lực lượng vũ trang chiến đấu vì độc lập, chủ quyền quốc gia – dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì an ninh quốc gia, trật tự xã hội, hạnh phúc của nhân dân và đoàn kết quốc tế.

Thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là nguyên tắc Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam; đồng thời kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua mấy ngàn năm dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng (02/1930) đã khẳng định quan điểm cách mạng bạo lực để giành chính quyền. Luận cương chính trị (10/1930) cũng chỉ rõ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức đội tự vệ công nông”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn hoàn cảnh nào”[3].

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (3/1935), trong Nghị quyết về tổ chức, lãnh đạo của Đảng trong đội tự vệ công nông, xác định: “Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương Quân uỷ của Đảng Cộng sản”[4]. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều khẳng định, bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phải không ngừng chăm lo củng cố, xây dựng các tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, phát huy hiệu lực lãnh đạo mọi mặt đối với đơn vị. Đây là nguyên tắc chiến lược của Đảng trong tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang (gồm các tổ chức vũ trang và bán vũ trang), để tiến hành đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Hiếp pháp Việt Nam 2013 đã thể hiện đầy đủ quan điểm, vai trò của Đảng, Nhà nước và Nhân dân về bảo vệ Tổ quốc; sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Luật Quốc phòng năm 2018, xác định rõ: Lực lượng vũ trang nhân dân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ; “Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt”[5].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò lãnh đạo lực lượng vũ trang, xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang cũng chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo giáo dục, rèn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang thực sự là một đội quân cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho. Lãnh đạo phát huy đoàn kết, thống nhất, dân chủ và kỷ luật, mối quan hệ máu thịt với nhân dân, vì nhân dân quên mình, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, có tinh thần quốc tế cao cả.

Đảng xác định cơ chế, phương thức lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, Hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng trong lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò đó còn được thể hiện ở việc Đảng xác định đường lối, nhiệm vụ quân sự: Bao gồm đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Lãnh đạo nghiên cứu xây dựng và phát triển nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lãnh đạo việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức nuôi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ. Lãnh đạo tiến hành công tác cán bộ, công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang.

Vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở sự xuyên suốt, nhất quán và luôn giữ vững quyền lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang. Đảng không phân chia quyền lãnh đạo cho bất cứ một giai cấp, một tổ chức, một đảng phái nào khác. Trong đó, lực lượng Quân đội và Công an với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là những lực lượng đặc thù, hoạt động đặc thù, tính chất khẩn trương, quyết liệt, đòi hỏi tính tổ chức, tính kỷ luật cao, càng đòi hỏi Đảng phải phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, xứng đáng là lực lượng chính trị, quân sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Trong hơn 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ cao trào cách mạng (1930 – 1931) nhiều đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ) đã ra đời ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; tiếp đến Đội du kích Bắc Sơn được thành lập, phát triển thành các trung đội Cứu quốc quân; trên cơ sở các trung đội Cứu quốc quân, các đội du kích, tự vệ chiến đấu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập (22/12/1944), Công an nhân dân được thành lập (19/8/1945), đây là lực lượng vũ trang nòng cốt cùng toàn dân tiến hành cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; chiến thắng kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả; xứng đáng là lực lượng nòng cốt, “thanh bảo kiếm” sắc bén, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng cả phương thức vũ trang và phi vũ trang, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cấp ủy, chính quyền, tính mạng, tài sản của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, bảo vệ những thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng; xung đột quân sự Nga – Ukraine, Hamas – Israel tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Các nước điều chỉnh chiến lược, chạy đua vũ trang. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên.

Nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiến hành công cuộc đổi mới với nhiều thời cơ, vận hội, song cũng đặt ra những nguy cơ và thách thức. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hoá lực lượng vũ trang”. Nhiệm vụ của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ ngày càng mở rộng; yêu cầu xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhận thức sâu sắc bài học được rút ra từ một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô trước đây cho thấy, vào những thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô tuyên bố xóa bỏ quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chấp nhận đa nguyên, đa đảng; nguyên tắc và cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang bị vi phạm, làm cho lực lượng vũ trang bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa; dẫn đến Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo lực lượng vũ trang và chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nước đó mau chóng sụp đổ.

Từ những vấn đề trên cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân là tất yếu khách quan, vấn đề trực tiếp quyết định đến sự tồn vong của đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu xem nhẹ, buông lỏng, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân tất yếu sẽ dẫn đến phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”. Vì vậy, càng đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường bản chất gai cấp công nhân, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đây là một nguyên lý, cơ sở quan trọng bảo đảm phát huy vai trò cầm quyền của Đảng trong tình hình mới, bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Không có nhận xét nào: