Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Phụ huynh, học sinh đồng tình với quy định không dùng điện thoại trong giờ học

 

Phụ huynh, học sinh đồng tình với quy định không dùng điện thoại trong giờ học

 Cho rằng việc hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại trong lớp học, giờ học sẽ góp phần tạo nên một môi trường, không gian học tập nghiêm túc hơn, từ đó giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, nhiều phụ huynh và cả các học sinh bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định không được sử dụng điện thoại di động, hay các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp.

Từ cuối tuần trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra văn bản đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng trong trường học; đề nghị học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp.

Theo một số nhà trường, việc quản lý điện thoại di động của học sinh khi tới trường học và trong lớp học đã được các thầy cô giáo phổ biến, nhắc nhở thường xuyên và thực hiện nghiêm túc từ đầu năm học theo quy định. Vì thế, các nguyên tắc sử dụng điện thoại di động đã cơ bản được các em học sinh tuân thủ thành nề nếp khi đến trường. Trong tuần học mới này, quán triệt văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc quản lý điện thoại di động của học sinh trong giờ học tiếp tục được các nhà trường thực hiện.

Qua khảo sát, các nhà trường có những cách thức quản lý với điện thoại của học sinh khác nhau. Có trường, ở bậc học nhỏ như tiểu học, đã yêu cầu cha mẹ không để học sinh mang điện thoại tới trường. Ở bậc học với lứa tuổi học sinh lớn hơn là THCS, THPT, thường học sinh được mang điện thoại di động tới trường nhưng có sự kiểm soát. Một số trường yêu cầu học sinh tắt nguồn điện thoại khi vào trường học, hoặc có trường yêu cầu học sinh phải nộp điện thoại để trên bàn giáo viên trước giờ học, có trường không cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng các em vẫn có thể sử dụng khi hết tiết học.

Nguyễn Hà Linh, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Khi đã vào lớp học, chúng em sẽ phải tắt nguồn điện thoại, không được sử dụng, trừ khi có sự đồng ý của giáo viên”. Hà Linh cho rằng việc không bận tâm đến sự có mặt của chiếc điện thoại giúp em tập trung hơn vào bài giảng và chú tâm hơn rất nhiều khi tham gia hoạt động học tập của lớp.

Thay vì ngồi một chỗ với chiếc điện thoại, việc hạn chế điện thoại khi tới trường sẽ khiến học sinh có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tập thể, hoạt động thể thao,… từ đó cải thiện mối quan hệ, xây dựng tinh thần đồng đội.

Nguyễn Hồng Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Thanh Oai, Hà Nội) cũng cho biết: “Không có điện thoại, chúng em sẽ có nhiều thời gian hơn để trò chuyện với nhau. Từ lúc bớt dùng điện thoại, em thấy các bạn vui vẻ, đoàn kết và hiểu nhau hơn trong các hoạt động chung”.

Vẫn còn ít nhiều sự băn khoăn từ phía các học sinh chung quanh việc không được dùng điện thoại ở trường, các lý do thường được các em đưa ra là: đã ghi chú mọi thứ và quen xem trên điện thoại, điện thoại là công cụ hỗ trợ đắc lực, nếu có thiết bị di động hỗ trợ giờ học sẽ hứng thú hơn,…Hay một số em cảm thấy đây là một sự bất tiện khi không thể liên lạc với gia đình và mất đi quyền riêng tư.

Phạm Diệp Hà, học sinh Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng sẽ bất tiện khi điện thoại bị tắt thì gia đình sẽ không thể gọi được trong trường hợp có việc gấp, và lo ngại khi điện thoại bị thu giữ chồng lên nhau, va chạm sẽ rất dễ xước và hư hỏng.

“Điện thoại rất cần thiết, nhất là với những bạn học xa nhà, nếu có ở lại trường hay tham gia hoạt động nào đó chúng em sẽ kịp thời báo cho bố mẹ yên tâm. Thứ hai là sẽ thuận tiện khi cô giáo gửi các tài liệu tham khảo, và chúng em cũng sử dụng để chuyển khoản khi mua đồ ở can-tin trường".

Tuy vậy, Diệp Hà cũng thừa nhận rằng, ngoại trừ một số bất tiện như trên, thì việc tạm rời xa chiếc điện thoại di động vốn là “vật bất ly thân” khi vào tiết học cũng khiến em quan tâm hơn đến lời giảng của giáo viên và để ý đến không gian thực tại của lớp học hơn.

Từ phía phụ huynh, nhiều người ủng hộ việc không sử dụng điện thoại di động trong lớp học, cho rằng điều này giúp con tập trung vào việc học và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mạng xã hội.

Chị Vũ Diệu Thuần, phụ huynh của một học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie cho biết: “Tôi thấy quy định này là rất hợp lý. Kể cả khi các con sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu, thì cũng dễ dẫn đến mặt trái là các con sẽ bị ỷ lại, giảm khả năng tư duy. Hơn nữa, ở độ tuổi đang phát triển, các con thường bị cuốn vào chơi game hay mạng xã hội khi luôn cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay”.

Anh Lê Văn Thanh, phụ huynh một học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc học sinh không sử dụng điện thoại trong lớp học, nhưng tôi cũng thấy rằng đây là một trách nhiệm khó khăn đối với các nhà trường, phải làm sao để thay vì cấm đoán, thì có thể hướng các em tới việc học cách tự quản lý, có kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ hợp lý”.

Quản lý việc tốt việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác trong môi trường học tập của học sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nhà trường, thầy cô bên cạnh việc dạy học cũng sẽ có thêm nhiệm vụ, trách nhiệm trong quản lý học sinh. Để trong công tác này thành công - từ việc “cấm”, giáo viên phải “thu điện thoại” đến việc học sinh được trang bị kỹ năng tự chủ, tự quản lý trong sử dụng các thiết bị công nghệ cá nhân - cần đến sự đồng hành chặt chẽ của cha mẹ học sinh trong giám sát, định hướng cho con em sử dụng công nghệ hiệu quả.

Không có nhận xét nào: