Chân Trời Mới Media “có tật giật mình”
- Ngày 16/11, trang facebook Chân Trời Mới Media, đăng status “Chính phủ Cộng sản Việt Nam vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP (ngày 9/11), một nghị định vi Hiến, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”. Đây là luận điệu hết sức lố bịch, chiêu trò quen thuộc mà các tổ chức, cá nhân chống đối với Đảng, Nhà nước thường lợi dụng, nhằm mục đích xuyên tạc, kích động mỗi khi Đảng, Nhà nước ta ban hành các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm để lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Như thông tin đã biết, ngày 09/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP “Về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng”. Đây là Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.
Nghị định số 147 bao gồm nhiều quy định mới; trong đó, có việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, xác thực tài khoản người dùng Internet, giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Nghị định cũng chỉ rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Do vậy, khi ra đời, Nghị định đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo người dùng internet và mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, sự ra đời của Nghị định số 147 sẽ có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức cá nhân của người dùng internet, giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội. Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng. Yêu cầu xác thực cũng giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn.
Một trong những điểm đáng chú ý là quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội. Theo đó, người sử dụng bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân để đăng bài, bình luận, hay livestream. Quy định này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế các thông tin sai lệch, giả mạo, từ đó góp phần ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Người dùng tham gia mạng xã hội với danh tính thực sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn khi đăng tải, thảo luận hay chia sẻ nội dung. Cũng vì thế, quy định này sẽ giúp tạo ra môi trường mạng an toàn hơn.
Đối với cộng đồng và trật tự xã hội, việc xác thực tài khoản không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng. Điều này đặc biệt quan trọng với các nội dung độc hại, như: bạo lực, kích động, lừa đảo hay những nội dung xâm phạm lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Mặt khác, việc xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến. Quy định này cũng góp phần chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng internet, đó là coi không gian mạng là không gian ảo, và vì ảo nên lên mạng có thể nói, làm bất cứ điều gì, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Như vậy, quy định xác thực tài khoản buộc người dùng internet cẩn trọng với phát ngôn trên mạng, khiến mạng xã hội không còn ẩn danh, buộc người dùng internet phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì công bố trên mạng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, chỉ có những tổ chức, cá nhân chuyên lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá “có tật giật mình” mới suy nghĩ thiển cận, quy chụp rằng: Nghị định số 147 là “vi Hiến” và “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”. Mỗi người dân Việt Nam nhất là người dùng internet, mạng xã hội cần tỉnh táo, kiên quyết lên án, đấu tranh, bác bỏ luận điệu mà Chân Trời Mới Media rêu rao, kích động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét