Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Đừng mượn trò “đóng góp” để chống phá

 

Đừng mượn trò “đóng góp” để chống phá

           – Thời gian qua, các đối tượng cơ hội, bất mãn đã lợi dụng danh nghĩa “đóng góp cho Đảng, Nhà nước” để đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá thể chế, cho rằng: Việt Nam muốn phát triển, bắt kịp được xu thế phát triển của thế giới, cần “xây dựng một bộ máy nhà nước hiện đại, phi đảng phái và phi chính trị là con đường duy nhất để Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á”. Đây chính là chiêu trò núp bóng sự“đóng góp” để chống phá, cần phải vạch trần, đấu tranh bác bỏ. Bởi vì:

Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp, là công cụ chuyên chính giai cấp, với các chức năng quản lý xã hội vừa bảo vệ lợi ích giai cấp mà nó đại diện, vừa duy trì trật tự, đảm bảo cho xã hội phát triển và phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đời sống cộng đồng. Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước ra đời từ các nước phương Tây, từng bước được đưa vào hiến pháp và pháp luật để điều chỉnh. Dù ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đảng chính trị muốn trở thành đảng cầm quyền thì phải thuyết phục và được sự ủng hộ của đa số quần chúng; phải tiến hành thông qua cuộc bầu cử. Đặc biệt, bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng, mà phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng, mà phụ thuộc vào tính khoa học, sáng tạo của đường lối phát triển đất nước và năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền, năng lực điều hành của nhà nước; vào hiệu quả xử lý trên thực tế mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và nhà nước.

Đối với Việt Nam, trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cũng theo Hiến pháp 2013, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực tiễn cho thấy: kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  ra đời (tháng 9/1945) đến nay luôn khẳng định, phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Trên thực tế, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Đảng, Nhà nước ta luôn chủ động, tích cực cải cách, đổi mới, tinh gọn bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo qua các bài nói, bài viết để các cơ quan chức năng quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhìn ra thế giới, hầu hết bộ máy nhà nước của các quốc gia đều do các đảng phái chính trị giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử lập ra để điều hành đất nước cũng như phục vụ lợi ích của đảng phái cầm quyền đó. Hầu như không có quốc gia nào mà bộ máy nhà nước phi đảng phái, phi chính trị cả. Đơn cử như nước Mỹ - cường quốc của thế giới thì bộ máy nhà nước của họ chủ yếu do hai đảng là Cộng hòa và Dân chủ thay nhau nắm quyền, thành lập và điều hành hoạt động chứ đâu phải bộ máy nhà nước của Mỹ là phi đảng phái và phi chính trị.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy sự “đóng góp” cần: xây dựng một bộ máy nhà nước hiện đại, phi đảng phái và phi chính trị của các đối tượng cơ hội, bất mãn là phản khoa học, phi thực tiễn. Đây thực chất là âm mưu nham hiểm, thâm độc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác để nhận diện, vạch trần, đấu tranh bác bỏ./. 


Không có nhận xét nào: