Những kẻ “có tật, giật mình”
- Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Theo Nghị định 147, phạm vi áp dụng sẽ bao gồm toàn bộ các tổ chức, cá nhân ở cả trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet. Đây chính là hành lang pháp lý cho việc quản lý hoạt động của đại lý Internet, điểm truy nhập Internet công cộng và thiết lập cơ chế quản lý tên miền quốc gia “.vn”, nhằm bảo vệ an ninh mạng và đảm bảo tính minh bạch trên không gian mạng, v.v. Thế nhưng, nhiều phần tử cơ hội, chống phá với những lập luận vô căn cứ,… vu cáo Việt Nam xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Luận điệu chúng rêu rao rằng: Nghị định 147 như là “công cụ đàn áp tự do ngôn luận”; Nhà nước Việt Nam “bịt miệng nhân dân”, vi phạm nhân quyền, v.v. Đây là những luận điệu chống phá hòng tẩy chay việc thực hiện Nghị định 147, bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt Nam, cổ xúy cho những tư tưởng và hành động sai trái.
Thứ nhất, tự do ngôn luận đã được hiến định ngay trong Hiến pháp (năm 2013) của nước Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Còn theo quy định tại Điều 19, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, theo quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối. Và, khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.
Thứ hai, hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin, dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, mua chuộc, kích động người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối làm mất trật tự an toàn xã hội, mất ổn định chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Do vậy, việc ban hành Nghị định 147 sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng; đồng thời, tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, thực tiễn đã minh chứng: mạng xã hội là “mảnh đất mầu mỡ” cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng để phát tán thông tin thất thiệt nhằm mục đích câu view, câu like, hoặc giả mạo tài khoản, đánh cắp thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khủng bố tinh thần, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, v.v. Phần lớn các đối tượng đều sử dụng thông tin giả để đăng nhập, lừa đảo nên việc truy vết gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các vụ việc lừa đảo trực tuyến đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng và có xu hướng gia tăng.
Vì thế, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 147 là cần thiết, nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, hữu ích để bảo vệ quyền con người, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng, gây hại đến tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều này hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, cũng như thực tiễn pháp lý ở nhiều quốc gia trên thế giới; hoàn toàn không phải là “công cụ đàn áp tự do ngôn luận” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động rêu rao. Chỉ những kẻ e ngại và phản đối Nghị định này là đang vi phạm pháp luật hoặc cố tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác mới “có tật, giật mình”, nhân danh “quyền tự do ngôn luận” để che đậy những việc làm sai trái. Do đó, chúng ta cần phải cảnh giác và đấu tranh loại bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét