Bác bỏ luận điệu xuyên tạc Nghị định 168
- Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, thông tin tiêu cực bình luận, chia sẻ khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Điển hình, trang facebook Việt Tân ngày 15/01 đăng status: “Yêu cầu hủy ngay Nghị định 168 và truy cứu trách nhiệm kẻ chấp bút làm khổ dân, gây rối loạn xã hội” hay trang facebook Chân Trời Mới Media ngày 15/01 đăng status: “Nghị định 168: Điểm nghẽn từ trong óc mới phọt ra nghẽn mọi nẻo đường”, v.v. Đây đều là những giọng điệu xuyên tạc, chống đối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta.
Trước hết, cần khẳng định rằng, trước khi ban hành một văn bản pháp luật bất kỳ, như: luật, nghị định, thông tư,... thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đều căn cứ những cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể để soạn thảo, xin ý kiến của các cơ quan chức năng, thậm chí lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành và áp dụng trong đời sống xã hội. Đối với Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe không nằm ngoài những quy định chung đó.
Trên thực tế, đến nay sau khoảng nửa tháng thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đã tạo ra một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân và trên thực tiễn. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí, ý thức chấp hành quy định về giao thông được nâng cao hơn trước. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong nửa tháng thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 01/01 đến ngày 14/01), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm. So với thời gian trước liền kề, xử phạt đã giảm 22.786 trường hợp (chiếm 11,54%). Cùng với đó, tình hình tai nạn giao thông đã có chuyển biến rõ rệt cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ, giảm 47 người chết, giảm 426 người bị thương, so với trước liền kề giảm 347 vụ, giảm 94 người chết và giảm 301 người bị thương.
Tuy nhiên, đúng là vào dịp cuối năm âm lịch khi Tết nguyên đán Ất Tỵ đã cận kề thì tình hình giao thông tại các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, xảy ra ùn tắc tại một số tuyến đường trung tâm. Song, phải khẳng định rằng: tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hiện nay có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do triển khai thực hiện Nghị định số 168 như một số status, bình luận đã đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi vì: Theo các chuyên gia, nhà khoa học thì tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra tại các thành phố lớn. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, tình trạng ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, tại các thành phố lớn, đông dân đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm, từng bối cảnh kinh tế xã hội. Ở nhiều quốc gia phát triển, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, hạ tầng giao thông tốt nhưng vẫn có những vụ tắc giao thông kéo dài nhiều giờ, thậm chí ở Trung Quốc còn có những vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên đường cao tốc.
Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, như: hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông, xảy ra những vụ việc tai nạn giao thông, hỏng đèn tín hiệu hoặc do ý thức của người tham gia giao thông không tốt dẫn đến xung đột giao thông, xảy ra ùn tắc giao thông, v.v. Do đó, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân chứ không phải do thực hiện Nghị định số 168. Ở Việt Nam, những ngày cuối năm, số người tham gia giao thông tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, việc ách tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cận Tết là chuyện xảy ra từ rất nhiều năm nay và khá phổ biến, không kể khung giờ nào. Năm nay việc xảy ra ùn tắc giao thông đó âu cũng là chuyện hết sức bình thường, chứ không phải nguyên nhân từ Nghị định số 168.
Thứ hai, Nghị định số 168/NĐ-CP gần như không có tác động gì đối với những người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không có hành vi vi phạm. Chỉ có những người có ý thức coi thường pháp luật, thường xuyên vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, không dừng đường cho xe ưu tiên, không tuân thủ đèn tín hiệu, không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, đi xe trên vỉa hè, đi vào đường cấm,... thì mới thấy lo sợ vì họ thường xuyên vi phạm những lỗi này mà không bị xử lý hoặc bị xử lý với lỗi mức xử phạt rất thấp theo Nghị định số 100/NĐ-CP. Nên khi nghị định mới có hiệu lực tăng mức xử phạt, người dân không dám vi phạm nữa vì mức phạt nghiêm khắc nên tỏ ra ấm ức, khó chịu. Nếu người tham gia giao thông có ý thức tuân thủ, mức phạt dù cao hay thấp không tác động gì với họ cả.
Thứ ba, chỉ có một số người không có ý thức tuân thủ pháp luật, cố tình vi phạm cùng với đó là các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, các trang mạng xã hội phản động, như: facebook Việt Tân, Chân Trời Mới Media,... đã lợi dụng chính sách pháp luật mới để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật, lợi dụng quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 168/NĐ-CP để đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin tiêu cực, kích động chống đối pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, những hành động này cần bị vạch trần, lên án, đấu tranh, bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét