Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Lỗ trong kế hoạch

 

Lỗ trong kế hoạch

   Ngày 10/7 vừa qua, dựa vào thông tin quý 3/2023, hãng xe  VinFast lỗ gần 600 triệu USD, trên facebook Việt Tân có bài “Càng làm càng lỗ” khiến cộng đồng mạng có hàng nghìn bình luận, trong đó phần lớn là tiêu cực về cách làm ăn của VinFast nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Trước hết, nói về khát vọng phát triển công nghệ xe hơi của Việt Nam. Từ chiếc ô tô tự chế của Nhà máy Chiến thắng năm 1958, chương trình sản xuất ô tô của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn liên doanh, lắp ráp, tự sản xuất nhưng phần nhiều chưa đạt mục tiêu, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, nhiều mẫu xe Việt dang dở giữa chừng. Đến năm 2017, hãng xe VinFast được thành lập, trong thời gian ngắn đã nhanh chóng cho ra đời nhiều mẫu xe, sở hữu nhiều điểm mạnh về chất lượng, chính sách, giá, dịch vụ và thiết kế độc đáo,... đã làm hài lòng người dùng Việt Nam, bước đầu làm chủ công nghệ xe xăng, hạn chế phụ thuộc nước ngoài. Trong bối cảnh ngày càng khan hiếm năng lượng hóa thạch, và sự ô nhiễm môi trường tăng, bắt kịp xu thế chung của thế giới, Vinfast đã chuyển đổi sang sản xuất xe điện định hướng thị trường Mỹ. Đây là bước đi đột phá về mặt công nghệ và thương mại. Vì Mỹ là thị trường tuy màu mỡ nhưng rất khó tính, nếu đứng vững ở đây thì các thị trường khác sẽ dễ dàng đáp ứng và chiếm lĩnh. Mặc dù Mỹ có nhiều chính sách phát triển xe điện nhưng để chiếm được sự tin dùng của khách hàng thật không dễ, đó là cái khó của những công ty tiên phong. Thời gian gần đây, hầu hết các công ty xe điện đều gặp khó khăn từ nguồn cung Chíp và Pin Lithium. Cuối tháng 6/2023, ngay cả những ông lớn xe điện nội địa của Mỹ như Lordstown cũng đã nộp đơn phá sản; công ty Ford dự kiến lỗ lũy kế trong năm 2023 cho mảng xe điện là 03 tỷ USD,... thì chuyện VinFast lỗ trong thời gian đầu kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng quyết tâm của VinFast là không thể phủ nhận.

Thứ hai, quy trình sản xuất, kinh doanh có rất nhiều công đoạn, như: xây dựng mô hình, thiết kế sản phẩm và các mô-đun sản xuất, tìm đất đặt nhà máy, xây dựng nhà máy, sản xuất sản phẩm, chào bán ban đầu ra công chúng,... là những khâu tiêu tiền, tức tiêu vào vốn của chủ sở hữu. Giai đoạn đầu chào bán sản phẩm, khách hàng ít vì lòng tin vào sản phẩm chưa cao; cần bán rẻ để cạnh tranh về giá với các sản phẩm xe điện của hãng khác nên doanh thu thấp, lợi luận thấp. Đồng thời, chi phí bán hàng, quảng cáo, chăm sóc lấy lòng tin từ khách cao nên thông thường những năm đầu công ty phải chịu lỗ một khoản tiền đã tính toán trước gọi là “lỗ trong kế hoạch” với mục tiêu đẩy nhanh quá trình chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu, tiến tới có lãi. Nếu công ty đủ vốn để vượt qua quãng thời gian lỗ dự tính thì tồn tại; ngược lại thì chết yểu. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của một công ty khởi nghiệp SME (sản xuất những mặt hàng tương tự những sản phẩm đã có bán trên thị trường). Vinfast bắt đầu làm dự án sản xuất xe điện từ năm 2021; tháng 9/2022 đã có xe giao cho khách hàng trong nước; tháng 3/2023, đã có những lô xe xuất khẩu sang thị trường Mỹ, được khách hàng chấp nhận. Đồng thời, hãng đang nộp hồ sơ bán cổ phần (IPO) trên thị trường chứng khoán Mỹ, bước đầu có nhiều khả quan, đúng lộ trình xét duyệt. IPO thành công là chỉ dấu vô cùng quan trọng về độ tin cậy, tiềm năng phát triển của một công ty. Do vậy, chúng ta vững tin Vinfast sẽ thành công trong lĩnh vực ô-tô điện; trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu đàn của nền công nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hện đại hóa đất nước của Đảng, Nhà nước ta./.

Không có nhận xét nào: