Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

Việt Nam đã có 5 bản hiến pháp, nhưng hiện hành chỉ có một

 

Việt Nam đã có 5 bản hiến pháp, nhưng hiện hành chỉ có một


Trên trang mạng “Quyenduocbiet”, Đào Tăng Dực có bài viết “Việt Nam có bao nhiêu hiến pháp hiện hành cùng một thời điểm?”. Trong bài viết, Dực đã cố tình “quy kết” Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là 1 bản Hiến pháp và “xé” toang Hiến pháp năm 2013 thành 2 bản Hiến pháp có giá trị khác nhau để minh chứng “Việt Nam thật sự có tất cả 3 bản Hiến pháp hiện hành”, đến đây, chúng ta – người đọc, không cần quan tâm thêm những điều suy diễn, gán ghép, cóp nhặt nữa vì đã nhận rõ phải – trái, đúng – sai, đã rõ bộ mặt thật của hắn rồi.

Từ ngày thành lập nước cho đến nay Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp được lưu hành

Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật. Theo dòng lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định, hiến định lợi ích của dân tộc, quyền của nhân dân, thể chế chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…, nhằm giữ vững đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Vào lúc 9 giờ 55 phút sáng 28/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với 97,59%, tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là bản Hiến pháp được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân[1], của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đảm bảo chính trị, pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, Nhân dân ta và Nhà nước ta vượt qua những thách thức, khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Với bố cục 11 chương, 120 điều, Hiến pháp năm 2013 thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tại Khoản 2 Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; Điều 3 ghi “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, và Điều 6 khẳng định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước (không chỉ) bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân (mà còn) và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 4 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; tại khoản 3 Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Từ những phân tích trên đây có thể khẳng định rằng ở Việt Nam chỉ có một bản hiến pháp duy nhất hiện hành – Hiến pháp năm 2013, đánh dấu một cột mốc mới khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

[1] Trong thời gian từ 02/01/2013 đến 30/4/2013 đã ghi nhận của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến ngày 30/4/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.


Không có nhận xét nào: