Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Lịch sử và nhân dân lựa chọn Đảng lãnh đạo

 

Kỳ thực, bài viết “Ai chọn Đảng cộng sản lãnh đạo?” của Phạm Trần đăng ngày 17/10/2023 trên Thôngluận.net toàn là những câu hỏi “xưa như Diễm” mà ông ta thường nhấn nhá trong các bài viết tung lên mạng xã hội của mình. Trong đó, phải kể đến kiểu lập luận lập lờ như “đố ai chứng minh được “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như Đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền?”, rồi lại tự trả lời rằng “càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội“…

Một là, thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đều là những minh chứng sinh động nhất chứng minh vị trí, vai trò không thể phủ nhận của Đảng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hơn 93 năm qua. Là một người dân Việt Nam, hẳn Phạm Trần cũng thừa hiểu rằng, trước khi Đảng ra đời, đêm đen mịt mùng của kiếp người nô lệ, của một đất nước đắm chìm dưới ách thống trị của ngoại bang không chỉ đè nặng lên mỗi thân phận người, mà còn đè nặng lên cái thân phận của một quốc gia không còn tên gọi (đã mất hết quyền tự quyết và trở thành “xứ An Nam thuộc địa”). Hẳn là Phạm Trần cũng thừa hiểu rằng, khi đã là nô lệ, khi đã là “con sâu, cái kiến”, một chút quyền tự do dân chủ nào cũng không được thụ hưởng, thậm chí thuế thân còn phải đóng mà còn phải đóng rất nặng, thì đừng có nói là có quyền con người, quyền công dân…

 Cho nên, trong khi ao ước cái gọi là nền dân chủ tư sản, ước mơ đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa và điên cuồng bôi nhọ, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Phạm Trần đã ngớ ngẩn quên đi những ám ảnh ngày xưa khi đất nước còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Thực tế, lịch sử và nhân dân chứ không phải ai khác đã lựa chọn Đảng lãnh đạo đó Phạm Trần. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, vừa kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kiến quốc để xây dựng đất nước phát triển trong điều kiện có chiến tranh hay hòa bình mấy thập niên qua đã minh định vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự thật này đã được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận. Đó không phải chỉ là để “Đảng hợp pháp hóa vai trò “tự biên, tự diễn” lãnh đạo của mình” như Phạm Trần “cáo buộc”, mà đó chính là tôn vinh và hiến định, là khẳng định một sự thật lịch sử không thể bẻ cong!

Hai là, đương nhiên “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”/Điều 4 Hiến pháp 2013 không phải là thứ “từ “trên Trời rơi xuống”, mọi người lại phải nghe” như Phạm Trần xuyên tạc, mà đó là một sự thật lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sự kết hợp đó không chỉ mang yếu tố của thời đại mà còn mang đậm bản sắc dân tộc. Là tổ chức của những người cơn ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, từ khi còn hoạt động bí mật đến khi trở thành Đảng cầm quyền – Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện/khẳng định vai trò lãnh đạo của mình. Đó chính là lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền; lãnh đạo nhà nước và bộ máy chính quyền tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, sau khi có một số chính đảng tự rút lui khỏi vũ đài chính trị, thì chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việt Nam lựa chọn thực hiện thể chế nhất nguyên, không có đảng đối lập tranh giành quyền lực nhà nước, cho nên Điều 4 của Hiến pháp là không thay đổi, không thể phủ nhận. Vì là một Đảng Mácxít – Lêninnít do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; vì con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, khúc ngoặt, cho nên việc Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng là đương nhiên. Lựa chọn đi theo Đảng, ủng hộ Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng và tin tưởng vào tương lai của đất nước và của chính mình – mặc nhiên nhân dân Việt Nam cũng sẽ tin tưởng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cho nên, việc Phạm Trần lu loa rằng “từ khi Đảng cộng sản Việt Nam có mặt trên đất nước năm 1930, chưa có cuộc bầu cử tự do nào được tổ chức để trao quyền lãnh đạo cho đảng. Kể cả việc đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước cũng do Đảng tự tung tự tác. Tuyệt đối không có ý kiến của dân” chỉ là suy diễn cá nhân của ông và những người như ông/nhân danh dân chủ để chống phá Đảng.

Ba là, lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn một con đường đi đúng, tất yếu sẽ cán đích. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường này là phù hợp xu thế phát triển tất yếu của nhân loại, nên đừng có quy chụp kiểu “hậm hực” rằng “như vậy rõ ràng Đảng đã áp đạt thể chế chính trị lên đầu dân để cai trị theo ý muốn của mình. Đó là độc tài và độc đảng” như Phạm Trần đã, đang làm.

Sự thật thì, ngoại trừ những người như Phạm Trần ra, những người dân Việt Nam bao thập niên qua đều thấu hiểu rằng: Chủ nghĩa xã hội không chỉ là ước mơ, nguyện vọng của nhân dân lao động về một xã hội không có chế độ tư hữu, áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, cạnh tranh,…Đó còn là một chế độ xã hội mà ở đó nhân dân được giải phóng, có quyền làm chủ, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện… Vì thế, không phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “muốn lấy lý tưởng “chủ nghĩa xã hội” của Đảng gán cho nhân dân để đồng hóa Đảng với dân” như Phạm Trần xuyên tạc, mà đó chính là ý Đảng, lòng Dân; là mục tiêu phấn đấu của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hơn nữa, đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là một con đường bằng phẳng; càng không phải một sớm một chiều cán đích, mà đó là một hành trình, với nhiều chặng đường và Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là dù đã xây dựng bao lâu nay mà chủ nghĩa xã hội “vẫn còn ở phương trời đất lạ nào đó” như Phạm Trần đâm thọc.

Bốn là, việc Phạm Trần cho rằng “trong thưc tế, người dân vẫn không được tự do ứng cử và bầu cử; không có tự do tư tưởng, ngôn luận, lập hội, đình công và biểu tình như quy định trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013” là bịa đặt. Bởi, ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập, thì người dân Việt Nam đã được tự mình lựa chọn và bầu đại biểu thay mặt mình vào Quốc hội khóa I – Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực tế 15 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng cho thấy, nhân dân Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình khi tham gia ứng cử, bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết, bỏ phiếu kín.

Việc ở Việt Nam “không cho tư nhân ra báo” hay thực hiện chế độ nhất nguyên, không cho “lập đảng chính trị” cũng là sự lựa chọn và tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đảng và Nhà nước trân trọng những ý kiến đóng góp chính đáng, có tinh thần xây dựng vì đất nước, vì nhân dân, nhưng quyết không để một ai đó, một tổ chức nào đó nhân danh yêu nước, nhân danh dân chủ mà tuyên truyền, kích động, bôi nhọ, bẻ cong sự thật ở Việt Nam và chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Thực tế, ở Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ có những người vi phạm luật pháp bị giam giữ. Việc Phạm Trần quy chụp rằng “Đảng độc quyền dư luận và kiểm soát tư tưởng. Đảng bỏ tù những ai dám đòi dân chủ và tự do” cũng như cho rằng “tuy Đảng không cấm tôn giáo, tín ngưỡng nhưng dùng mọi biện pháp và luật lệ để xâm nhập và kiểm soát người theo đạo và hành đạo. Đảng cũng đã phân biệt đối xử, chèn ép và gây khó khăn cho các tổ chức tôn giáo không chịu đặt dưới quyền kiểm soát của hệ thống của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ngoại vi của đảng” chỉ là suy diễn cá nhân; là mượn một hiện tượng để quy kết sai bản chất vấn đề tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được lịch sử và nhân dân ghi nhận, tôn vinh; được Cương lĩnh khẳng định và Hiến pháp hiến định. Cho nên, mọi sự xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống Đảng của Phạm Trần đều là sai trái; là không đúng sự thực; là vô nghĩa./.

Không có nhận xét nào: