Sự vong bản của thành phần tự nhận “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam” thể hiện rõ qua cái thực tế rằng gần đây, họ chỉ còn tranh nhau đồng tiền tài trợ và những bằng khen của người nước ngoài, trong khi không hề để tâm đến những gì mà mình có thể mang đến cho người dân trong nước.
Để thấy điều này, ta hãy nhìn vào bài viết được đăng trên trang BBC tiếng Việt hôm 23/12, mang tựa đề “Nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và làn gió dân chủ – nhân quyền ở Đức”. Trong bài viết khá dài này, BBC đã dành nhiều giấy mực để tẩy trắng và đánh bóng hình tượng Nguyễn Văn Đài – kẻ sáng lập tổ chức phản động “Hội Anh em Dân chủ” và có quan hệ thân thiết với băng đảng Việt Tân. Dù tự xưng là một cơ quan truyền thông tuân thủ các quy tắc khách quan và trung thực, BBC đã không nhắc một lời đến thái độ hằn học, cực đoan, phá hoại mà Đài thể hiện từ khi sang Đức tị nạn cách đây 5 năm. Thay vào đó, họ thuần tuý mô tả Đài như một “nhà hoạt động nhân quyền” gương mẫu, chỉ vì Đài đã được chính giới phương Tây dán cho cái nhãn đó.
Cụ thể, để biện minh cho thái độ cực đoan mà Đài gọi nguyên văn là “chống cộng”, BBC mào đầu bằng cách viết: “Trong khi báo trong nước cho tới gần đây vẫn mô tả ông Nguyễn Văn Đài là ‘phản động lưu vong’, ông là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao Giải thưởng Nhân quyền”. Kế đó, kênh truyền thông này liệt kê các thành tựu hoạt động của Đài trong 5 năm vừa qua như sau: “Ông đã tới Geneva 7 lần, tới Brussels 10 lần để gặp gỡ các phái đoàn châu Âu, đồng thời tham dự các hội nghị nhân quyền mà theo ông là để vận động cho một nền dân chủ tại Việt Nam”. Nhưng Nguyễn Văn Đài có thành tựu hoạt động nào khác, ngoài việc được nước Đức trao giải, được gặp và bắt tay nhiều quan chức phương Tây? BBC không nói được điều này, cũng không nói được những thay đổi mà Đài đã mang đến cho “phong trào dân chủ” ở Đức hay cho người dân Việt Nam trong nước trong thực tế.
Đọc bài viết của BBC, người ta không khỏi có cảm giác rằng việc “đấu tranh cho nhân quyền dân chủ” của Đài là một cuộc thi thường niên, trong đó dân tị nạn là khán giả và phương Tây là người trao giải. Người dân Việt Nam trong nước, đối tượng được cho là hưởng lợi từ cuộc thi này, thì bị gạt ra rìa, không được đếm xỉa đến. Vậy từ khi sang Đức tị nạn, Nguyễn Văn Đài đã tìm cách tác động như thế nào đến người dân Việt Nam? Dưới đây là vài gạch đầu dòng đáng nhớ.
Trước hết, Nguyễn Văn Đài đã tìm cách đẩy người dân Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng kinh tế giữa dịch bệnh. Tháng 03/2021, khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Việt Nam, Đài đã đăng lên mạng xã hội một clip, trong đó nói rằng dịch bệnh là lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xóa bỏ chế độ cộng sản”. Để nắm bắt “cơ hội” này, ít lâu sau, Đài tung lên mạng một loạt bài viết, trong đó ông ta bịa ra nguy cơ sụp đổ tài chính để kêu gọi người dân rút tiền khỏi ngân hàng, mua ngoại tệ, mua gom nhu yếu phẩm nhiều hơn mức cần thiết – tất cả những gì đi ngược lại hướng dẫn phòng dịch của chính phủ Việt Nam. Vì không nguồn tin khả tín nào trong thời điểm đó từng nhận xét rằng Việt Nam đang nguy cơ sụp đổ tài chính do dịch bệnh, có thể nói Đài đã tung tin giả để phá hoại nền kinh tế Việt Nam, nhằm gây hỗn loạn trong xã hội, tạo điều kiện để lật đổ chế độ. Nếu dự định của Đài thành công, hàng triệu người dân Việt Nam có thể sẽ chịu thiệt hại về kinh tế, sức khỏe và tính mạng vì tình trạng hỗn loạn mà nó gây ra. Điều may mắn là người dân Việt Nam đã lờ đi Nguyễn Văn Đài, để làm theo hướng dẫn của chính phủ Việt Nam, nhờ đó dịch bệnh đã qua đi mà không gây ra “sụp đổ tài chính”.
Trong khi BBC mô tả Đài như một người đấu tranh bất bạo động vì nhân quyền, thực ra Đài vẫn luôn ủng hộ bạo động, thậm chí kích động người dân tham gia bạo động. Tháng 06/2023, khi khoảng 40 đối tượng khủng bố đồng loạt tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur bằng dao và súng đạn, khiến chín người thiệt mạng bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân, Nguyễn Văn Đài đã hô hào: “Tây nguyên nổi dậy! Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… toàn dân xuống đường!”. Đài cũng gọi vụ khủng bố này là một “cuộc khởi nghĩa”, rồi làm clip phân tích điểm hay, điểm dở của nó, nhằm rút ra kinh nghiệm cho các “cuộc khởi nghĩa” tương tự trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 03/2023, Đài cũng viết trên Facebook cá nhân rằng nhà nước Việt Nam vừa bắt Phan Thị Thanh Nhã, “thành viên một tổ chức cách mạng”. Nếu tra cứu thêm thông tin trên Internet, người ta sẽ thấy Phan Thị Thanh Nhã chẳng phải là thành viên của bất cứ tổ chức nào tự nhận là “đấu tranh cho nhân quyền” tại Việt Nam, mà là thành viên “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” của Đào Minh Quân – một tổ chức khủng bố bạo động từng tổ chức nhiều âm mưu đánh bom ở trong nước.
Một kẻ muốn Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và nội chiến để tạo cơ hội lật đổ chế độ, bất chấp hậu quả đem đến cho người dân vô tội, có đáng được xem là một “nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ” hay không? BBC cho là đáng, miễn là người này từng nhiều lần được gặp, được bắt tay các quan chức Âu Mỹ!?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét