Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Thủ đoạn lợi dụng vụ việc Vạn Thịnh Phát để xuyên tạc

 

Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân và rút ruột 1.066.000 tỷ đồng, sau đó thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật, là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giúp Trương Mỹ Lan lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ đồng cùng số lãi phát sinh 129.372 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tay, góp phần cho Trương Mỹ Lan tham ô có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Trong đó phải kể đến Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho những sai phạm của “tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và bà “trùm mafia” Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB. Vụ đại án “siêu lừa” này đã âm ỷ trong dư luận nhân dân rất nhiều, nay đã được đưa ra ánh sáng, với tính chất và qui mô, sự tác động nhiều chiều đối với đời sống xã hội, nhất là doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, cán bộ ngân hàng, cán bộ Thanh tra – kiểm toán từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Thế nhưng có những kẻ chống phá luôn tìm cách “đặt câu hỏi ngược” bằng những luận điệu vu vạ, đổ lỗi hòng công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam trong điều hành kinh tế và lãnh đạo đất nước. Chẳng hạn như VOA, một hãng truyền thông nổi tiếng là “ác cảm với sự phát triển của đất nước Việt Nam” đã đăng bài viết: “Lỗ hồng gì đã giúp bà Trương Mỹ Lan hoành hoành thời gian dài”. Bài viết đưa ra những nhận định theo hướng đổ lỗi, vu vạ kiểu như: “nhà chức trách ở đâu để bà Trương Mỹ Lan dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo tiền của người dân?”, “luật pháp ở Việt Nam có như không?”, “nhà nước làm ngơ để bà Trương Mỹ Lan hoành hành”… Từ những lập luận vô căn cứ, tác giả bài viết cũng như các “nhà dân chủ” chĩa mũi nhọn công kích công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm, từ đó tìm cách đả kích chế độ. Đây là chiêu trò không mới khi lợi dụng sự việc cụ thể để lu loa lên rằng tham nhũng là sản phẩm riêng có của chế độ “độc đảng”, hay “bản chất” của thể chế.

Thực tế đã chứng minh tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với quyền lực, là “khuyết tật bẩm sinh”, sự tha hóa của quyền lực mà bất kể chế độ xã hội nào trên thế giới cũng đều phải đương đầu với nó. Dù là các nước phát triển, đang phát triển, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; hay nhất nguyên chính trị như Trung Quốc, hoặc như các nước có nền kinh tế phát triển cao, thực hiện tam quyền phân lập như ở châu Âu, Bắc Mỹ… cũng đã và đang phải đương đầu với tệ tham nhũng. Có thể khẳng định, vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát là một trong những vụ án “khủng” của lịch sử tố tụng nước ta. Trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Tuổi Trẻ, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết: “Việc xử lý bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là lời răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Đây là bài học không của riêng ai. Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp đồng sở hữu tổ chức tín dụng cần xem đây là tấm gương để tự soi, tự sửa”. Việc xử lý Trương Mỹ Lan và đồng phạm là một minh chứng thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan tố tụng đã truy tố Trương Mỹ Lan cùng 85 bị can khác. Trong số đó, có 23 bị can từng là cán bộ công tác tại Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh….. Nhìn vào đây dễ dàng thấy được sự không khoan nhượng, không bao che, không nể nang, không ngoại lệ trong việc xử lý cán bộ vi phạm. Tố tụng hình sự là một quá trình vô cùng chặt chẽ để bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ…

Kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Cũng có nghĩa, không hề có chuyện “phe phái”, “đấu đá, thanh trừng nội bộ”; tất cả, dù là ai, làm gì, ở đâu, khi sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Cuộc chiến “chống giặc nội xâm” không thể ngừng nghỉ, không thể khoan nhượng, phải đi đến đích là “làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đây chính là câu trả lời rõ ràng nhất để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của những “tiếng nói lạc lõng” chuyên tìm cách bắt bẻ, lèo lái sai lệch vấn đề hòng xuyên tạc sự thật kiểu như VOA đang làm./.

Không có nhận xét nào: