Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

LẠI CÁI TRÒ “VẼ RẮN THÊM CHÂN” CỦA ĐÀO TĂNG DỰC

 

LẠI CÁI TRÒ “VẼ RẮN THÊM CHÂN” CỦA ĐÀO TĂNG DỰC


Xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, bôi đen lịch sử là những thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Và cũng với chiêu trò đó, mới đây trên trang “Quyenduocbiet” đã đăng tải những luận điệu xuyên tạc, vu khống của Đào Tăng Dực trong cái gọi là “Tương quan giữa Hiến pháp năm 2013 và sự suy thoái của kinh tế quốc gia”. Với những lời lẽ rất xảo trá, y đã cố tình “vẽ rắn thêm chân” nhằm xuyên tạc những thành quả của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; đánh lừa dư luận, nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Hiến pháp năm 2013 là kết tinh của “ý Đảng, lòng Dân” và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 97,59% số phiếu tán thành. Đây là một sự kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Hiến pháp mới đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Đó là bảo đảm chính trị – pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, Nhân dân ta và Nhà nước ta vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại.

Đặc biệt, Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật pháp trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nguyên tắc này đã trở thành “sợi chỉ đỏ” chi phối đến tất cả chế định khác trong Hiến pháp, là căn cứ pháp lý quan trọng nhất cho việc thể chế hóa các nội dung về hạn chế quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam, phù hợp với Điều 29 trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) thừa nhận, khả năng quyền của cá nhân có thể bị hạn chế nhằm mục đích “đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Đây là một nguyên tắc hiến định, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

2. Thành quả phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là minh chứng khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam

Đất nước ta đang đi đúng con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã chọn, đó là : Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trên con đường này, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu vượt bậc, được quốc tế thừa nhận, đánh giá cao. Đi lên chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn của lịch sử, sự lựa chọn khách quan, sự lựa chọn duy nhất đúng của Nhân dân ta. Bởi vì, “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. … Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[1]

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2023, trong bối cảnh kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm, thế giới phải đương đầu với các biến cố tài chính và tình hình địa chính trị phức tạp gây hệ luỵ nghiêm trọng tới phục hồi và phát triển kinh tế. Song GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn tăng 5,05%, gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới. Theo giá hiện hành năm 2023, quy mô GDP ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2].

Do vậy, mọi sự bịa đặt, xuyên tạc, vu khống của Đào Tăng Dực và các thế lực thù địch, phản động sẽ không thể đánh lừa được nhân dân Việt Nam. Nhân dân ta, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và niềm tin tất thắng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: