Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

THAM NHŨNG LÀ VẤN NẠN CỦA MỌI XÃ HỘI

 


Mới đây trên trang Bureau CTM Media – Âu Châu đăng bài viết của VietTuSaiGon với tiêu đề “Các ông Củi” cho rằng “lò chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhen lên được hơn 3 năm và đang tiếp tục cháy không ngừng nghỉ”. Ý muốn nói tham nhũng ở nước ta nhiều, và chưa biết đến bao giờ mới hết.

Xin có đôi điều với VietTuSaiGon như thế này. Tham nhũng là hiện tượng kinh tế – xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Các quốc gia có các điều kiện về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế khác nhau thì bản chất, hiện tượng tham nhũng cũng khác nhau. Không có một nhà nước, chính phủ nào trên thế giới không có tham nhũng. Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp của mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cũng như của mỗi người dân, đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được người dân đồng tình ủng hộ, được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao, góp phần từng bước làm trong sạch các tổ chức của Đảng, bộ máy của Nhà nước, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược; là công việc chung của mọi người dân Việt Nam chứ không phải riêng của riêng Đảng và các cơ quan chức năng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định. Các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII) và hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra rằng hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ[1]. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. Theo Viện Công tố Liên bang Nga, lượng tiền tham nhũng hàng năm của Nga lên tới 240 tỷ USD chiếm hơn 15% GDP của Nga. Mới đây nhất ngày 22/9/2023, Ông Menendez – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bị tòa án khu vực phía Nam New York truy tố về một loạt tội danh tham nhũng, hối lộ. Theo Damian Williams, luật sư của quận phía Nam New York, các đặc vụ của FBI đã phát hiện ra “rất nhiều vàng” do Fred Daibes – một thợ xây dựng và là một trong 3 doanh nhân – cung cấp trong quá trình khám xét nhà của vợ chồng ông Menendez ở New Jersey.

Ngày 20/9/2022 Mỹ truy tố 47 đối tượng biển thủ 250 triệu USD cứu trợ trong đại dịch Covid-19[2]. Đây là vụ gian lận tiền trợ cấp Covid-19 lớn nhất mà các điều tra viên phát giác từ trước đến nay. Những đối tượng này bị truy tố liên quan đến một loạt tội danh, bao gồm đồng lõa, gian lận, rửa tiền, đưa và nhận hối lộ. Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những bị cáo này lập mạng lưới “công ty ma” có liên hệ với tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Feeding our Future” có trụ sở tại bang Minnesota. Công tố viên liên bang ở Minnesota, ông Andrew M. Luger tuyên bố, đây là đường dây gian lận “táo tợn lớn đến kinh ngạc”. Những bị cáo tuyên bố dùng tiền trợ cấp để lo ăn uống cho hàng nghìn trẻ em mỗi ngày, nhưng trên thực tế dùng mua bất động sản ở Minnesota và cả ở nước ngoài, mua sắm xe hơi hạng sang, nữ trang, đi du lịch ngoài nước và nhiều thứ khác.

Qua đó cho thấy tham nhũng là một hiện tượng xã hội nó có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, mọi giai tầng trong xã hội. Đối với Việt Nam, càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cho rằng “củi càng đốt càng nhiều”, hòng làm “nhụt chí” toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Không có nhận xét nào: