KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN TÌNH HÌNH DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận những thành tựu của cách mạng, lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những tiêu cực trong xã hội để chống phá cách mạng, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ. Đây thực sự là một “mũi nhọn” trong âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Tiếp tay cho âm mưu, thủ đoạn đó, RFA tiếng Việt thường xuyên phát tán nhiều bài nói, bài viết, video clip trên mạng xã hội có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam. Bài viết Báo cáo của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) năm 2024: người dân Việt ít an toàn trước nhà nước hơn xuất hiện gần đây là một điển hình. Thông qua báo cáo thường niên của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) có nội dung phản ánh sai lệch thực trạng nhân quyền ở Việt Nam và “phỏng vấn” một số “tù nhân lương tâm”, RFA đưa ra nhiều nhận định xuyên tạc như: tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm, tự do ngôn luận không được cải thiện, người dân không thực hành được các quyền của mình… Những luận điệu dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Do đó, nhận diện, đấu tranh làm thất bại những luận điệu nguy hiểm đó là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chủ trương: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Quá trình đổi mới đất nước đồng thời là quá trình củng cố, hoàn thiện những điều kiện bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các văn bản Hiến pháp, pháp luật, mà điều quan trọng ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày, trong đời sống hiện thực của quần chúng nhân dân. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị – xã hội, trong các hoạt động của xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị, yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng; xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia, vùng lãnh thổ… Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền không chỉ là điểm sáng được quốc tế ghi nhận, mà còn là cơ sở, sự tin tưởng để Việt Nam trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023 – 2025. Sự thật này bác bỏ những luận điệu bẻ cong sự thật, đánh lừa dư luận, xuyên tạc, phủ nhận của RFA về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Thành tựu dân chủ ở nước ta là sự thật không thể phủ nhận. Việc gìn giữ, phát triển những thành tựu ấy phụ thuộc vào sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội là nguyên tắc, động lực của việc đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở nước ta hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét