Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của Việt Tân

 

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của Việt Tân

 

        Ngày 10/9, trang facebook Việt Tân đăng status xuyên tạc, phủ nhận những tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi đưa ra câu hỏi và “tự trả lời” mang tính rằng: “Tại sao chống hoài, bắt hoài... mà vẫn còn tham nhũng. Vì chế độ vẫn còn đó. Vì nó là mầm móng sinh ra tham nhũng”. Từ đó họ rêu rao, kích động rằng: “Cách xóa tham nhũng hiệu quả nhất là chế độ độc tài độc đảng không nên tồn tại. Vì chính nó sản sinh ra tham nhũng”!

Cần khẳng định dứt khoát: tệ nạn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng, một khi quyền lực bị lạm dụng. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra; có nhà nước là có tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Mặt khác, nếu quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; người có quyền lực sẽ “không thể,” “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Do đó, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng. Thực tiễn, ở các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại; thậm chí một số nguyên thủ quốc gia (như ở: Tunisia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia, Pakixtan, Brazil,…) cũng dính vào tội tham nhũng. Chẳng thế mà Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hằng năm đều công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) trong khu vực công, để cung cấp cái nhìn tổng quát về mức độ tham nhũng tương đối của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng. Nhìn vào bảng xếp hạng CPI hằng năm có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được điểm 100 (tức là không có tham nhũng). Bảng xếp hạng còn cho biết trong 10 năm qua (kể từ năm 2012), 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, trong đó có các nước như Australia, Canada và Mỹ. Điều đó cho thấy tham nhũng ở những nước này trong 10 năm qua có xu hướng gia tăng.

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, những năm qua, với quan điểm “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, công khai, minh bạch, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành một cách bài bản, đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 71.431 tỷ đồng và 24,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023).

Cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục được phát huy. Các cơ quan chức năng đã chuyển 269 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 89 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/39 bị cáo, v.v.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng; giám định, định giá tài sản tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng.

Những kết quả cụ thể đó đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Không những vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam còn nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Luận điệu coi tham nhũng là do “chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ độc đảng cầm quyền sinh ra”, và “muốn chống tham nhũng phải xóa bỏ chế độ một đảng” là hoàn toàn sai trái, nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã hội. Do đó, cần đề cao cảnh giác và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: