Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Vẫn là trò “võ đoán”

 

Vẫn là trò “võ đoán”

     - Kênh tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 13/9 đăng bài: “LHQ: Báo cáo vi phạm nhân quyền từ Việt Nam giảm đi do nhiều người sợ bị trả thù”; trong đó có đoạn viết: “... Chính phủ Việt Nam trả thù những tổ chức, cá nhân dám lên tiếng về vi phạm nhân quyền cho thấy một môi trường hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận”. Đây là thông tin phi lý, hoàn toàn không có cơ sở, vẫn là trò “nói dựa”, “võ đoán” của những kẻ chống phá đã sử dụng lâu nay, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Cần khẳng định rõ: vấn đề quyền con người, bảo đảm nhân dân được sống cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc là mong muốn, mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành được chính quyền, Đảng, Nhà nước ta đã bắt tay ngay vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, việc bảo đảm các quyền con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ và thực thi các quyền con người, quyền công dân. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng tới con người, vì con người; lấy con người - nhân dân làm mục tiêu, động lực của quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Trên thực tế, mặc dù hậu quả tàn phá sau mấy chục năm chiến tranh rất nặng nề, song Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối, chính sách lãnh đạo, phát triển đất nước phù hợp, đúng đắn nền kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, v.v. Nhờ đó,  đất nước liên tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Minh chứng là Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, con số cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Chỉ tính từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người cũng như triển khai các điều ước một cách nghiêm túc. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực, cụ thể, nhất là trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025. 

Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022; tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,3% và 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Các phương tiện truyền thông, báo chí, internet phát triển mạnh, trở thành diễn đàn ngôn luận của nhân dân, của các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, v.v. Đây là những thành tựu không thể phủ nhận, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong việc bảo đảm nhân quyền của Việt Nam.

Vậy nhưng, một số kẻ vốn có thâm thù với Việt Nam lại không “cam tâm”. Chúng luôn tìm cách lôi kéo, xúi giục những kẻ “cùng hội, cùng thuyền” cung cấp thông tin phiến diện, “võ đoán” rằng: Chính phủ Việt Nam trả thù những tổ chức, cá nhân dám lên tiếng về vi phạm nhân quyền để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Vì vậy, những hành động, dã tâm xấu độc này cần phải bị vạch trần, đấu tranh, lên án./.

Không có nhận xét nào: