Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ VÀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀ TƯ TƯỞNG XUYÊN SUỐT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ VÀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀ TƯ TƯỞNG XUYÊN SUỐT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Vận dụng học thuyết Mác -Lênin về chiến tranh và quân đội vào điều kiện cụ thể nước ta, đồng thời kế thừa và phát triển tư tưởng quân sự trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn vấn đề xây dựng lực lượng chính trị và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: bạo lực cách mạng ở Việt Nam là bạo lực của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm hai lực lượng cơ bản: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Lực lượng chính trị theo Người, là lực lượng đông đảo của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, là lực lượng cơ bản, nền tảng của cách mạng và là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, là nguồn tiếp sức vô tận cho phát triển quân đội nhân dân. Do đó, muốn xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, phải xây dựng lực lượng chính trị vững mạnh. Người khẳng định: Muốn có đội quân vũ trang, trước hết phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông, ngày càng mạnh. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện vác súng thì mới thắng được.

Để xây dựng quân đội cách mạng trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã sớm chỉ đạo hình thành các tổ chức, đoàn thể cứu quốc, thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể đó lựa chọn những người ưu tú nhất thành lập các đội tự vệ, đội du kích để từ đó chọn lọc số cán bộ và đội viên trung kiên nhất, hăng hái nhất lập ra đội quân chủ lực. Người kêu gọi: Phải nhanh chóng thành lập các tổ chức quần chúng. Nông dân phải vào "Nông dân cứu quốc hội"; trẻ nhỏ vào "Nhi đồng cứu quốc hội"; thanh niên phải vào "Thanh niên cứu quốc hội"; phụ nữ vào "Phụ nữ cứu quốc hội"; công nhân vào "Công nhân cứu quốc hội"… Từ những "hội" đó mà tuyên truyền, giáo dục, thức tỉnh quần chúng đấu tranh, dần dần tổ chức ra các lực lượng vũ trang để bảo vệ cuộc đấu tranh quần chúng, chống đàn áp, khủng bố. Các tổ chức quần chúng cách mạng càng phát triển, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội cách mạng và tiến hành đấu tranh vũ trang.

           Được tổ chức và xây dựng trên cơ sở phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta lúc mới hình thành tuy còn non trẻ, biên chế tổ chức còn nhỏ bé, trang bị, vũ khí còn thô sơ, huấn luyện quân sự còn đơn giản, nhưng do bám chắc vào cơ sở lực lượng chính trị quần chúng rộng khắp, được các tổ chức, đoàn thể cách mạng đùm bọc, nuôi dưỡng nên đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong đấu tranh vũ trang và tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong xây dựng quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cần phải xây dựng về mọi mặt, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng về chính trị, không ngừng tăng cường bản chất cách mạng cho quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Người nói: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại". Đó vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức vũ trang cách mạng, đồng thời là kết quả sự vận dụng sáng tạo lý luận khoa học của học thuyết Mác -Lênin vào xây dựng quân đội cách mạng ở một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn nhỏ bé. Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề này là vì, theo Người, để làm tròn chức năng của một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất, quân đội phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Song, sự sống còn của quân đội cách mạng là bản chất chính trị, không chăm lo xây dựng chính trị thì một đội quân dù có chính quy, hiện đại bao nhiêu cũng sẽ mất phương hướng, tan rã trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc. Sự mất phương hướng chính trị của quân đội ở một số nước những năm 90 thế kỷ XX đã cho ta bài học kinh nghiệm xương máu. Do đó, phải đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị, lấy xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở để xây dựng các mặt hoạt động khác, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Quá trình xây dựng quân đội về chính trị, thực chất là quá trình tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng quân đội cách mạng; là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội ta vẫn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc về một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền đó phải luôn được giữ vững và tăng cường, có như vậy mới bảo đảm cho quân đội chiến thắng và trưởng thành. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức Đảng từ trong các tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên đến Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sau khi thành lập các đội du kích, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập chi bộ đảng và bầu ra ban chi ủy để lãnh đạo đội. Trong chỉ đạo xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Người yêu cầu: Tổ chức của đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, có đội viên, có bộ đội là có sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội ta hơn 76 năm xây dựng và phát triển, chứng minh rằng: Đảng không phải là ở bên ngoài, mà trở thành máu thịt, thành thuộc tính bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng với việc chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, định ra hệ thống chính ủy, chính trị viên để bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Người nhấn mạnh rằng: trong việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh xây dựng và củng cố công tác chính trị. Nét nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội là "người trước súng sau", "vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là con người vác súng". Người đã chú trọng chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức quân sự, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, có trình độ văn hoá và sức khoẻ… Nhưng trước hết và trên hết là giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc tư tưởng trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, coi đó là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đội quân cách mạng. Người yêu cầu, trong xây dựng quân đội nói chung và xây dựng quân đội về chính trị nói riêng, Nhà nước cần phải tăng cường vai trò quản lý của mình; phát huy đầy đủ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu là đặc trưng nổi bật, là vấn đề gắn với bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, coi trọng xây dựng quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn bao hàm cả vấn đề xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân. Quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, đồng thời phải biết dựa chắc vào dân thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Người dạy: Bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Quân đội mà xây dựng được trận địa lòng dân thì bất kỳ việc gì khó cũng làm được và nhất định thắng lợi. Chính nhờ điều này mà trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, quân đội ta đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng quân đội.

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” với cách mạng Việt Nam, trong đó có âm mưu phi chính trị hóa quân đội. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã và đang khẳng định bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo "tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt" đối với quân đội là hoàn toàn đúng đắn. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu mới đối với việc nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Không có nhận xét nào: