CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỦ TRƯƠNG TINH GỌN BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Gần đây, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng bộ máy Nhà nước “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong bài viết của Lê Thân: “Muốn tinh giảm bộ máy cần phải làm gì trước mắt?”, với những nhận định sai lệch về Việt Nam, Y cho rằng: “vì sao ra chừng ấy Nghị quyết rồi mà cải cách chưa hiệu quả? Vấn đề sâu xa nằm ở thể chế. Đảng đóng vai trò độc quyền trong quản lý đất nước, hệ quả là quyền lực của Nhân dân hoàn toàn chỉ là hình thức”. Thực chất đây là những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam.
Thứ nhất, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Ngày 06/01/1946, Nhân dân Việt Nam đã bỏ phiếu bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước tối cao là Quốc hội; Quốc hội quyết định thành lập Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp năm 1946. Trong đó, mô hình tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam đã được xác lập, gồm: Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội; Hiến pháp năm 1946, cũng khẳng định: “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân… Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”; Điều 2 Hiến pháp năm 2013, tiếp tục khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Trong từng giai đoạn của cách mạng, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam luôn có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng tinh gọn bộ máy. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII); Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18. Mới đây, ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã họp và quyết định các vấn đề về chủ trương thực hiện và tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, làm cơ sở tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng, Nhà nước thường xuyên chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; coi trọng việc xác lập mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; Nhân dân là chủ thể của nước nhà, bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chăm lo đến các chính sách, an sinh xã hội, đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, trong gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chính trị ổn định, kinh tế, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững; quyền làm chủ của Nhân dân được đặc biệt coi trọng và nâng cao. Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ 1986 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần; liên tục từ 2016 đến 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước có kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; Quy mô GDP năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 đạt 5,05%; theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2024 dự kiến đạt 6,1%.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ với hơn 300 tổ chức quốc tế, quan hệ kinh tế, thương mại với 230 đối tác. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách xã hội ở Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển nhanh của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn được Nhân dân tin tưởng, trao quyền lãnh đạo, quản lý; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã và đang đạt được những cơ sở quan trọng về chất chất, kỹ thuật, tạo đà cho các bước tiến vững chắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, xây dựng, Nhân dân đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam; phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn nêu cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của Lê Thân và các thế lực thù địch để đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét